Có những hình thức xử lý nào đối với tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam? Tổn thất về tài sản của ngân hàng này được xử lý thế nào?
Tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tác động thông qua những hình thức nào?
Tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện một số hoạt động đối với tài sản theo quy định của pháp luật như sau:
(1) Kiểm kê, đánh giá lại, thanh lý, nhượng bán tài sản: quy định tại Điều 10 Nghị định 46/2021/NĐ-CP
- Kiểm kê tài sản và xử lý kết quả kiểm kê tài sản:
+ Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện kiểm kê tài sản khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý; sau khi xảy ra thiên tai, địch họa hoặc vì các nguyên nhân khác gây ra biến động tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Việc xử lý kết quả kiểm kê tài sản tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo các quy định hiện hành đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Đánh giá lại tài sản:
+ Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
+ Kết quả đánh giá lại tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đánh giá và đồng gửi Bộ Tài chính.
- Thanh lý, nhượng bán tài sản:
+ Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thanh lý, nhượng bán những tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn trên nguyên tắc công khai, minh bạch;
+ Thẩm quyền, phương thức, trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
+ Các khoản thu hoặc chi phí phát sinh từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản (bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán) được hạch toán vào thu nhập hoặc chi phí của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định.
(2) Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định: quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2021/NĐ-CP
- Việc đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và theo kế hoạch hằng năm được Hội đồng quản trị phê duyệt. Trường hợp giá trị dự án đầu tư vượt thẩm quyền quyết định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Hội đồng quản trị báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn đầu tư công (nếu có) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
- Tổng giá trị còn lại của toàn bộ tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (nguyên giá tài sản cố định trừ khấu hao) không vượt quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ phản ánh trên sổ sách kế toán của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
(3) Thuê, cho thuê, thế chấp và cầm cố tài sản: quy định tại Điều 13 Nghị định 46/2021/NĐ-CP
- Ngân hàng Phát triển được cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Đối với những tài sản Ngân hàng Phát triển đi thuê hoặc nhận cầm cố, thế chấp, nhận bảo quản giữ hộ của khách hàng, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thỏa thuận với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.
Tài sản cố định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khấu hao theo nguyên tắc nào?
Khấu hao tài sản cố định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định tại Điều 11 Nghị định 46/2021/NĐ-CP như sau:
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam được sử dụng số khấu hao tài sản cố định để tái đầu tư thay thế, đổi mới tài sản cố định và các yêu cầu hoạt động khác theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổn thất về tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xử lý như thế nào?
Xử lý tổn thất về tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2021/NĐ-CP như sau:
Khi bị tổn thất về tài sản, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xác định mức độ, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo nguyên tắc sau:
- Nếu do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Nếu tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
- Sử dụng các khoản dự phòng được trích lập trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật.
- Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích trong chi phí, nếu thiếu được bù đắp bằng Quỹ dự phòng tài chính. Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp, phần thiếu được hạch toán vào chi phí hoạt động khác trong kỳ.
Như vậy, tài sản của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được tác động thông qua một số quy định nêu trên. Trong trường hợp có tổn thất về tài sản, tùy lý do tổn thất và loại tài sản tổn thất mà hướng xử lý sẽ được quy định tương ứng khác nhau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.