Có nhất thiết phải lập hợp đồng bằng văn bản khi chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay không?
- Có nhất thiết phải lập hợp đồng bằng văn bản khi chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay không?
- Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm những gì?
- Việc xử lý hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào?
Có nhất thiết phải lập hợp đồng bằng văn bản khi chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay không?
Căn cứ Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về quy định chung đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp như sau:
"Điều 141. Quy định chung về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
1. Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
2. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp)."
Dựa vaò quy định trên cùng với những thông tin bạn đã cung cấp, công ty bạn được nhận quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu của công ty mẹ.
Do đó giữa công ty bạn và công ty mẹ cần lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp dưới dạng văn bản theo quy định của pháp luật.
Có nhất thiết phải lập hợp đồng bằng văn bản khi chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp hay không? (Nguồn ảnh: Internet)
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 47 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bởi điểm b khoản 39 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN và được thay thế điểm e bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 13/2010/TT-BKHCN, hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cụ thể gồm những thành phần sau:
"47. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
[...]
47.2 Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (hợp đồng lixăng sở hữu công nghiệp) phải gồm các tài liệu sau đây:
a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 02-HĐSD quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;
b) 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;”.
c) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
d) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
e) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).”
Việc xử lý hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 48 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bởi điểm a khoản 40 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN có quy định cụ thể về thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký trong trường hợp chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ như sua:
"48. Thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký
48.1 Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có các thiếu sót nêu tại điểm 48.3 của Thông tư này, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây:
a) Ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp);
b) Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
c) Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản;
d) Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
đ) Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.”
Đồng thời, tại khoản 4 Điều này quy định thời gian xử lý hồ sơ như sau:
"48.4 Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là 02 tháng (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót)."
Như vậy, đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, pháp luật hiện hành quy định cụ thể về yêu cầu thực hiện, thành phần hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng và thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung cụ thể như trên.
Tải về mẫu Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.