Có giới hạn mức giảm giá đối với hàng hóa đã từng thực hiện khuyến mại không? Nếu có thì mức giảm tối đa là bao nhiêu?
Khuyến mại áp dụng cho những đối tượng nào?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng khuyến mại như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thương nhân thực hiện khuyến mại, gồm:
a) Thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại thông qua các thương nhân phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật);
b) Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
2. Thương nhân trực tiếp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, gồm:
a) Thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại hoặc tổ chức cho các thương nhân khác, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại (thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại);
b) Thương nhân trực tiếp hoặc thuê thương nhân khác tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cho riêng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh.
3. Các tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến thương mại, các đối tượng có quyền hoạt động xúc tiến thương mại quy định tại Điều 91, Điều 131 Luật thương mại khi thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan."
Khuyến mại
Khuyến mại yêu cầu hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa như thế nào?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại như sau:
- Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định này.
- Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
- Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, giá trị được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm công bố;
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, giá trị được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
- Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều này gồm:
+ Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình;
+ Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm:
++ Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch;
++ Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
Có giới hạn mức giảm giá đối với hàng hóa đã từng thực hiện khuyến mại không? Nếu có thì mức giảm tối đa là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại như sau:
"Điều 7. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại
1. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
2. Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho:
a) Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước;
b) Hàng thực phẩm tươi sống;
c) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh."
Theo đó, thực hiện khuyến mãi khi tiếp tục thực hiện khuyến mãi thì phải đảm bảo về mức giảm giá tối đa là không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Như vậy, đối với khuyến mại theo hình thức giảm giá thì bạn phải đảm bảo là không được vượt quá 50% giá hàng hóa trước khi khuyến mại. Do đó, không quan tâm đến tỷ lệ giảm giá đối với hàng đã bán, giờ bạn muốn bán lượng tồn còn lại thì bạn phải đảm bảo là không quá 50%.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.