Có được yêu cầu cấp trích lục khai sinh cho người đã mất hay không? Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền cấp trích lục khai sinh cho người đã mất?
Có được yêu cầu cấp trích lục khai sinh cho người đã mất hay không?
Theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định về trích lục hộ tịch như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
9. Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
10. Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
...
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau về cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc:
Cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc
1. Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
2. Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
3. Cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.
Như vậy, có thể yêu cầu cấp trích lục khai sinh cho người đã mất và cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người đã mất có quyền yêu cầu thực hiện thủ tục này.
Trích lục khai sinh (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền cấp trích lục khai sinh cho người đã mất?
Theo Điều 63 Luật Hộ tịch 2014 quy định về cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký như sau:
Cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký
Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
Bên cạnh đó theo khoản 5 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
5. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
...
Đồng thời theo khoản 1 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).
...
Như vậy, người có yêu cầu cấp trích lục khai sinh cho người đã mất có thể liên hệ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện thủ tục này.
Trích lục khai sinh có giá trị sử dụng như giấy khai sinh bản gốc hay không?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc như sau:
Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, trích lục khai sinh có giá trị sử dụng như giấy khai sinh bản gốc (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.