Có được xem là tai nạn lao động khi người lao động trên đường đi làm bị tai nạn nhưng trong người có nồng độ cồn không?
- Có được xem là tai nạn lao động khi người lao động trên đường đi làm bị tai nạn nhưng trong người có nồng độ cồn không?
- Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi đã điều trị ổn định do tai nạn lao động không?
- Sau khi người lao động điều trị ổn định do bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp không?
- Người sử dụng lao động không bố trí công việc phù hợp cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Có được xem là tai nạn lao động khi người lao động trên đường đi làm bị tai nạn nhưng trong người có nồng độ cồn không?
Người lao động trên đường đi làm bị tai nạn nhưng trong người có nồng độ cồn có được xem là tai nạn lao động không, thì căn cứ Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động
1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:
a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Do đó, đối với trường hợp trên của chị cung cấp thì bản chất người lao động này là trên đường tới chỗ làm, hơn nữa bên cơ quan kết luận có nồng độ cồn.
Tuy nhiên, đối chiếu quy định trên thì khi rơi vào trường hợp là do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật sẽ không được chi trả quyền lợi nêu trên.
Như vậy, kể cả có nồng độ cồn cũng không xếp vào chất gây nghiện khác. Chính vì vậy, trong trường hợp trên vẫn là tai nạn lao động và chi trả cho họ.
Có được xem là tai nạn lao động khi người lao động trên đường đi làm có nồng độ cồn (Hình từ Internet)
Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi đã điều trị ổn định do tai nạn lao động không?
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định cụ thể:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
...
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
...
Như vậy, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi đã điều trị ổn định do tai nạn lao động.
Sau khi người lao động điều trị ổn định do bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp không?
Theo khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
...
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
...
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
Người sử dụng lao động không bố trí công việc phù hợp cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Nếu người sử dụng lao động không bố trí công việc phù hợp cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động;
b) Không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
...
Như vậy, người sử dụng lao động không bố trí công việc phù hợp cho người lao động sau khi bị tai nạn lao động có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Lưu ý, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.