Có được tự công bố chất hỗ trợ chế biến thực phẩm hay không? Trường hợp nào chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phải đăng ký bản công bố?
Có được tự công bố chất hỗ trợ chế biến thực phẩm hay không?
Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm (Hình từ Internet)
Theo khoản 3 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm quy định về tự công bố sản phẩm như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) trừ các sản phẩm quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP
- Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.
Như vậy, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc trường hợp được tự công bố.
Trường hợp nào chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phải đăng ký bản công bố?
Trường hợp chất hỗ trợ chế biến thực phẩm dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước và các sản phẩm theo quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP phải đăng ký bản công bố sản phẩm như sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây:
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Như vậy, những sản phẩm quy định nêu trên thì phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
Không đăng ký bản công bố chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc diện phải đăng ký có bị xử phạt?
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên nếu cá nhân thuộc diện phải phải đăng ký bản công bố mà không đăng ký bản công bố chất hỗ trợ chế biến thực phẩm theo quy định của pháp luật thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, trường hợp vi phạm này còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu hồi thực phẩm và phải thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không đăng ký công bố sản phẩm.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên đây là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.