Có được tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản hay không? Nếu được thì có cần thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm sau không?
Có được tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản hay không?
Có được tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản hay không, thì căn cứ theo Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Hợp đồng bảo hiểm trùng
1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Theo đó, vẫn có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Hợp đồng bảo hiểm (Hình từ Internet)
Nếu tham gia thêm một hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản có cần thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên không?
Nếu tham gia thêm một hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản có cần thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên không, thì căn cứ theo Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây:
a) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
...
Và Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định như sau:
Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin
...
2. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
...
Như vậy, tùy thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm nêu bên mua bảo hiểm cần cung cấp thông tin những nội dung gì để xác định bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm việc mình giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng không.
Nếu hợp đồng quy định bên mua không cần thông báo nhưng bên mua cố tình cung cấp không đầy đủ thông tin nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Thông thường, các mẫu đơn yêu cầu mua bảo hiểm tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có nội dung yêu cầu bên mua cung cấp thông tin đã mua bảo hiểm cho tài sản này hay chưa, nếu bên mua cung cấp không đúng nội dung này thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể là tài sản hình thành trong tương lai không?
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại
1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất.
Theo đó, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể gồm:
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể là tài sản hình thành trong tương lai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.