Có được mai táng người chết tại khu dân cư hay không? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi mai táng người chết tại khu dân cư?
Hành vi mai táng là gì?
Có được mai táng người chết tại khu dân cư hay không? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định: “Táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết.”
Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP, hành vi mai táng được hiểu là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
Có được mai táng người chết tại khu dân cư hay không?
Căn cứ theo Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng như sau:
- Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
Theo khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được hướng dẫn bởi Điều 55 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định việc bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
Bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng
1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy định của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, trừ trường hợp đặc thù quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
a) Địa điểm mai táng không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt; cơ sở hỏa táng phải đặt ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu dân cư;
b) Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ hỏa táng phải có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
c) Khí thải phát sinh từ việc hỏa táng phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
d) Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở mai táng, hỏa táng phải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;
đ) Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ theo quy định pháp luật về xây dựng; có hệ thống thu gom và thoát nước riêng cho nước mưa;
e) Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
3. Việc mai táng, hỏa táng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo tại khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo và các cơ sở tôn giáo khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và bảo đảm vệ sinh môi trường.
- Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng, hỏa táng phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, mai táng hợp vệ sinh, trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; xóa bỏ hủ tục trong mai táng, hỏa táng gây ô nhiễm môi trường.
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi mai táng người chết tại khu dân cư phải được xin phép Ủy ban nhân dân và đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng cũng quy định: “Việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh”.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi mai táng người chết tại khu dân cư?
Căn cứ theo Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định quyền khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về môi trường như sau:
Khiếu nại, tố cáo về môi trường
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Theo đó, bạn có thể khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật để họ can thiệp để người dân không mai táng người thân của mình tại khu dân cư nơi bạn sinh sống.
Theo tại Điều 5 Luật Khiếu nại 2011 quy định về trách nhiệm giải quyết khiếu nại như sau:
Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và phối hợp giải quyết khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
…
Theo đó, căn cứ điểm h khoản 1, điểm đ khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo về môi trường, cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; đánh giá, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường;
- Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.