Có được giảm 1/2 thời gian thực hành chuyên môn khi làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược với người có văn bằng chuyên môn thạc sỹ tổ chức quản lý dược không?
- Người có văn bằng chuyên môn thạc sỹ tổ chức quản lý dược có được giảm 1/2 thời gian thực hành chuyên môn khi làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược không?
- Cơ sở thực hành chuyên môn về dược gồm những cơ sở nào?
- Các văn bằng chuyên môn và chức danh nghề nghiệp được cấp Chứng chỉ hành nghề dược bao gồm những văn bằng nào?
Người có văn bằng chuyên môn thạc sỹ tổ chức quản lý dược có được giảm 1/2 thời gian thực hành chuyên môn khi làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược không?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, khoản 6 Điều 4 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định như sau :
Thời gian thực hành chuyên môn đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học
1. Người có trình độ chuyên khoa sau đại học là người có một trong các bằng sau:
a) Thạc sỹ dược, y, y học cổ truyền, hóa học, sinh học (sau đây gọi tắt là thạc sỹ);
b) Tiến sỹ dược, y, y học cổ truyền, hóa học, sinh học (sau đây gọi tắt là tiến sỹ);
c) Chuyên khoa I hoặc chuyên khoa II theo hệ đào tạo chuyên khoa sau đại học theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Thời gian thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Luật dược được giảm:
a) 3/4 thời gian đối với người có bằng tiến sỹ hoặc chuyên khoa II về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành;
b) 1/2 thời gian đối với người có bằng thạc sỹ hoặc chuyên khoa I về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành.
Đối với lĩnh vực chuyên môn thực hành thì tại Điều 20 Nghị định 54/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Nội dung thực hành chuyên môn
...
4. Đối với vị trí chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán buôn thuốc trừ trường hợp quy định tại điểm c và d khoản này phải thực hành một trong các nội dung thực hành chuyên môn sau: Bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược;
...
5. Đối với vị trí chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc trừ trường hợp quy định tại các điểm b và c khoản này phải thực hành một trong các nội dung thực hành chuyên môn sau: Bán buôn thuốc; xuất nhập khẩu thuốc; sản xuất thuốc; kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thực hành tốt bảo quản thuốc; quản lý dược liên quan đến lưu hành thuốc, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược;
...
Theo hướng dẫn trên thì người có bằng thạc sỹ tổ chức quản lý dược được giảm 1/2 thời gian thực hành chuyên môn khi làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược đối với lĩnh vực bán buôn thuốc, xuất nhập khẩu thuốc.
Có được giảm 1/2 thời gian thực hành chuyên môn khi làm hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược (Hình từ Internet)
Cơ sở thực hành chuyên môn về dược gồm những cơ sở nào?
Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 54/2017/NĐ-CP thì cơ sở thực hành chuyên môn là các cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Dược 2016, bao gồm:
(1) Cơ sở dược:
- Cơ sở kinh doanh dược.
- Bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở đào tạo chuyên ngành dược.
- Cơ sở nghiên cứu dược.
- Cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Cơ quan quản lý về dược.
- Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam.
(2) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề.
Các văn bằng chuyên môn và chức danh nghề nghiệp được cấp Chứng chỉ hành nghề dược bao gồm những văn bằng nào?
Các văn bằng chuyên môn và chức danh nghề nghiệp được cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo Điều 17 Nghị định 54/2017/NĐ-CP sẽ bao gồm các văn bằng sau:
(1) Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược là bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành dược do các cơ sở giáo dục trong nước cấp có ghi chức danh “Dược sĩ”, “Dược sĩ đại học” hoặc “Dược sĩ cao cấp”.
(2) Bằng tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa là bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành y đa khoa do các cơ sở giáo dục trong nước cấp có ghi chức danh “Bác sĩ” hoặc “Bác sĩ đa khoa”.
(3) Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền là bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(4) Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học là bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành sinh học do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(5) Bằng tốt nghiệp đại học ngành hóa học là bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành hóa học do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(6) Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược là bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng ngành dược do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(7) Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược là bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành dược do các cơ sở giáo dục trong nước cấp có ghi chức danh “Dược sĩ trung cấp” hoặc “Dược sĩ trung học”.
(8) Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y là bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp ngành y do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(9) Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền là bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền do các cơ sở giáo dục trong nước cấp.
(10) Văn bằng, chứng chỉ sơ cấp dược là chứng nhận hoặc chứng chỉ do các cơ sở giáo dục trong nước cấp ghi rõ chức danh “Dược tá” hoặc “Sơ cấp dược”.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.