Có được đưa người lao động Việt Nam đi làm nghề massage ở nước ngoài hay không? Nếu không thì bị xử phạt như thế nào?

Thông qua công ty dịch vụ việc làm nước ngoài, tôi được giới thiệu công việc nhân viên massage vật lý trị liệu tại một bệnh viện Đông y ở Đài Loan, có ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, tôi nghe nói là Nhà nước đã cấm người Việt làm nghề massage tại nước ngoài. Xin hỏi, quy định cụ thể như thế nào? Nếu đây là hành vi vi phạm thì bị xử phạt thế nào? Ngoài ra tôi muốn hỏi mức tiền dịch vụ tối đa mà phía công ty dịch vụ việc làm được thu là bao nhiêu? - Câu hỏi của chị An đến từ Cà Mau.

Công ty dịch vụ có được đưa người lao động Việt Nam đi làm nghề massage ở nước ngoài hay không?

Có được đưa người lao động Việt Nam đi làm nghề massage ở nước ngoài hay không?

Công ty dịch vụ có được đưa người lao động Việt Nam đi làm nghề massage ở nước ngoài hay không? (Hình từ Internet)

Tại khoản 12 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
...
12. Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với công việc sau đây:
a) Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;
b) Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;
c) Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;
d) Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất axít ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc tính mạnh;
đ) Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
e) Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);
g) Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
...

Theo quy định trên thì cấm các công ty dịch vụ việc làm đưa lao động là người Việt Nam vào làm công việc massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí ở nước ngoài.

Như vậy việc chị được công ty giới thiệu công việc nhân viên massage vật lý trị liệu tại bệnh viện Đông y thì không trái với quy định pháp luật. Do đó, chị không bị cấm làm công việc massage tại nước ngoài khi nơi làm việc không là khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí.

Tuy nhiên, chị An nên yêu cầu công ty dịch vụ việc làm nước ngoài cung cấp cho chị các thông tin về giấy phép hoạt động của công ty, nội dung công việc, các thông tin về cơ sở làm việc tại nước ngoài trước khi chị ký kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi.

Trường hợp đưa người lao động Việt Nam đi làm nghề massage ở nước ngoài tại những nơi không được phép thì bị xử phạt thế nào?

Trường hợp công ty dịch vụ đưa người lao động Việt Nam làm nghề massage ở nước ngoài tại những nơi không được phép được xem là công việc bị cấm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
...
9. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các trường hợp sau: ở khu vực bị cấm; công việc bị cấm; vi phạm đạo đức xã hội; vi phạm sức khỏe của người lao động hoặc cộng đồng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không được nước tiếp nhận lao động cho phép;
...

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên sẽ là mức phạt áp đụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Như vậy đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng.

Mức tiền dịch vụ tối đa mà phía công ty dịch vụ việc làm được thu là bao nhiêu?

Căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về mức trần đối với tiền dịch vụ mà công ty dịch vụ được thu từ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như sau:

Tiền dịch vụ
...
4. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động được quy định như sau:
a) Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 thang làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
b) Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
c) Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Theo đó thì công ty dịch vụ sẽ được thu tiền dịch vụ tối đa theo quy định về mức trần tiền dịch vụ nêu trên.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

3,252 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào