Có được điều khiển xe bị thế chấp tại ngân hàng không? Nếu được thì khi biên nhận thế chấp hết hạn, người điều khiển xe có bị phạt không?
Thế chấp tài sản là gì?
Căn cứ Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thế chấp nhau sau:
"Điều 317. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp."
Có được điều khiển xe đang bị thế chấp tại ngân hàng không?
Có được điều khiển xe đang bị thế chấp tại ngân hàng không?
Căn cứ theo Điểm 1 Công văn 8601/VPCP-CN năm 2017 về sử dụng Giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng:
“1. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện."
Theo đó, ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc là để đảm bảo bạn thực hiện nghĩa vụ dân sự của. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc điều khiển xe lưu thông khi có Bản sao Giấy đăng ký phương tiện giao thông và Bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
Như vậy, khi tham gia giao thông trong trường hợp đang thế chấp xe cho ngân hàng thì người điều khiển xe cần có các giấy tờ sau:
- Bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông.
- Bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
Các giấy tờ nêu trên chỉ có giá trị thay thế cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính.
Nếu được điều khiển xe thế chấp thì khi biên nhận thế chấp hết hạn, người điều khiển xe có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
"Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
...
9. Sửa đổi Điều 16 như sau:
...
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
...
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
b) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số);
c) Điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe;
d) Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.
...
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
...
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm b khoản 6 Điều này trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện."
Như vậy, xe đã thế chấp cho ngân hàng thì khi tham gia giao thông cần phải có bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông và bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Nếu bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe hết hiệu lực thì người điều khiển xe sẽ bị xử phạt với lỗi sử dụng Giấy đăng ký xe hết hạn sử dụng. Lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. Ngoài ra, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì còn bị tịch thu phương tiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.