Có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ công ty cũ sang công ty mới khi người lao động tự ý bỏ việc hay không?

Cho em hỏi là em làm việc ở công ty TNHH 1 thành viên chuyên sản xuất nội thất được 2 năm và đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó em tự ý bỏ việc và bây giờ em tiếp tục đi làm ở công ty cổ phần thiết kế xây dựng và cũng mới được đóng Bảo hiểm thất nghiệp được 1 tháng. Vậy sau này khi nghỉ việc thì 2 năm đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó có bị mất đi không vì có người nói do em bỏ việc nên sẽ không được hưởng nữa và bị mất luôn. Có cần quyết định nghỉ việc của công ty ban đầu làm việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Và phải đóng bao nhiêu lâu ở công ty cổ phần mới được hưởng thất nghiệp?

Tự ý bỏ việc có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Do đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 2 năm ở công ty cũ do bạn tự ý bỏ việc vẫn được bảo lưu và cộng nối vào công ty mới để hưởng trợ cấp thất nghiệp sau này khi bạn đủ điều kiện.

Có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ công ty cũ sang công ty mới

Có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ công ty cũ sang công ty mới? (Hình từ internet)

Đóng tiếp bảo hiểm thất nghiệp bao nhiêu lâu sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm 2013 có nội dung liên quan như sau:

“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
...
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;”

Như vậy, trường hợp bạn muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động bạn phải đóng từ đủ 12 tháng trở lên. Do bạn không cung cấp thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp ở công ty cũ và công ty mới nên bạn cần căn cứ theo quy định trên để biết chính xác.

Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có yêu cầu quyết định nghỉ việc ở công ty cũ hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (Sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:

- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Quyết định thôi việc;

+ Quyết định sa thải;

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;

+ Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

+ Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình pháp luật quy định.

+ Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo quy định trên thì hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không yêu cầu bạn phải nộp quyết định nghỉ việc của công ty trước đây đã làm việc.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

7,971 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào