Có được chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nghỉ để điều trị tai nạn lao động quá lâu không?

Công ty có phát sinh tai nạn lao động, bị khớp xương tay, phải điều trị phẫu thuật nhiều lần, và thời gian điều trị là gần 12 tháng kể từ bị tai nạn lao động, đến nay chưa bình phục. Người lao động thuộc dạng ký HĐLĐ xác định thời hạn. Vậy trường hợp Công ty đã thanh toán các khoản nằm điều trị viện phí ban đầu. Trách nhiệm người sử dụng lao động phải thanh toán những khoản nào, các phí điều trị phẫu thuật cho các lần tiếp sau để khôi phục hẳn không? Đồng thời việc thanh toán tiền lương như thế nào? Trường hợp kéo dài thời gian nghỉ để điều trị tai nạn lao động này, công ty được quyền chấm dứt HĐLĐ không? sau khi chấm dứt thì các nghĩa vụ còn lại phải thực hiện cho người lao động là những gì? - câu hỏi của chị Mỹ Duyên đến từ Tiền Giang.

Trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động được quy định ra sao?

Căn cứ Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động quy định:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
...

Theo quy định trên, công ty có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế cho đến khi người lao động được điều trị ổn định.

Để xác định người lao động đã được điều trị ổn định chưa, công ty nên trao đổi với bác sĩ điều trị cho người lao động để xác định.

Nếu chưa điều trị ổn định thì công ty vẫn phải thanh toán chi phí phẫu thuật các lần sau theo quy định nêu trên. Đồng thời, công ty có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Có được chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nghỉ để điều trị tai nạn lao động quá lâu không?

Có được chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động nghỉ để điều trị tai nạn lao động quá lâu không? (Hình từ Internet)

Quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động quy định ra sao?

Căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
...
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
...
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
...

Theo quy định trên, nếu người lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đã điều trị 6 tháng liên tục hoặc làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn dưới 12 tháng nhưng đã điều trị hơn quá nửa thời gian thực hiện hợp đồng nhưng khả năng lao động chưa hồi phục thì công ty được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Nhưng phải thông báo cho người lao động biết một khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 36 nêu trên.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng với người lao động như thế nào?

Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty không cần phải trả lương trong thời gian điều trị cho người lao động nữa và cũng không phải thực hiện trách nhiệm bố trí công việc phù hợp sau khi người lao động đã điều trị ổn định do không còn quan hệ lao động nên không thuộc trường hợp tại khoản 3, khoản 8 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt Lưu bài viết
5,487 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào