Có được bồi thường tuổi thanh xuân khi ly hôn không? Chồng ngoại tình với người khác trong thời kỳ hôn nhân thì bị xử lý như thế nào?
Có được bồi thường tuổi thanh xuân khi ly hôn không?
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc kết hôn của hai anh chị là do hai bên tự nguyện quyết định. Ngoài ra, luật cũng không quy định về trường hợp khi ly hôn người chồng phải có nghĩa vụ bồi thường cho người vợ.
Tuy nhiên, nếu hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Lúc này, nếu chị có thể thỏa thuận với chồng về mức bồi thường tuổi xuân thì sẽ được Tòa chấp nhận.
Ngược lại, nếu chồng chị không đồng ý thì chị có thể yêu cầu đơn phương xin ly hôn với lý do anh chồng ngoại tình và đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên để phân chia tài sản, quyền nuôi con…theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, luật không quy định khi ly hôn, chồng chị phải bồi thường tuổi thanh xuân cho chị. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng có thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ công nhận yêu cầu này trong bản án.
Có được bồi thường tuổi thanh xuân khi ly hôn không? (Hình từ Internet)
Ngoại tình với người khác trong thời kỳ hôn nhân bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm các hành vi sau:
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
...
2. Cấm các hành vi sau đây:
...
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
...
Trong đó, chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. (Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Qua đó, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Như vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi ngoại tình với người đã có gia đình bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi ly hôn thì ai có quyền được nuôi con?
Việc quyết định quyền nuôi con khi ly hôn được quy định tại Điều 81 và Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con;
- Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi theo nguyên tắc:
+ Dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con (tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, chỗ ở, thời gian chăm sóc con…. để quyết định giao con);
+ Xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Ngoài ra, trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo như quy định tại Điều 52 và Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, trong trường hợp của chị thì Tòa án có thể dựa vào các nguyên tắc nêu trên để quyết định quyền nuôi con khi ly hôn.
Nhưng thông thường thì con còn nhỏ cần sự chăm sóc, lo lắng từ mẹ nhiều hơn nên có thể chị sẽ được Tòa án trao quyền trực tiếp nuôi con và chồng chị sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.