Có được bồi thường thiệt hại với phần nhà đất còn lại sau khi có quyết định thu hồi nhưng không thể sử dụng được nữa, do việc thu hồi làm ảnh hưởng kết cấu không? Phải giải quyết như nào?
- Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định như thế nào?
- Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào?
- Nhà dân có diện tích 100m2, phạm vi giải phóng mặt bằng là 75m2, Nhà nước thu hồi 75m2 đó, nhưng 75m2 này ảnh hướng đến kết cấu của nhà, 25m2 còn lại không sử dụng được nữa. Vậy trong trường hợp này, nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại 75m2 hay bồi thường thiệt hại 100m2?
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại cụ thể:
"Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình."
Nhà nước bồi thường thiệt hại
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào?
Tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Nhà dân có diện tích 100m2, phạm vi giải phóng mặt bằng là 75m2, Nhà nước thu hồi 75m2 đó, nhưng 75m2 này ảnh hướng đến kết cấu của nhà, 25m2 còn lại không sử dụng được nữa. Vậy trong trường hợp này, nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại 75m2 hay bồi thường thiệt hại 100m2?
Căn cứ Điều 89 Luật Đất đai 2013 quy định bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
"Điều 89. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất
1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.
2. Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.
3. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành."
Như vậy, nếu xác định là phần 25m2 còn lại "không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật" thì người bị thu hồi sẽ được đền bù tiền của toàn bộ căn nhà (100m2), còn nếu xác định là phần 25m2 còn lại "vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật" thì người bị thu hồi sẽ được đền bù tiền theo thiệt hại thực tế (75m2).
Và cần lưu ý là ở đây sẽ phải căn cứ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng để xác định xem nhà có còn sử dụng được hay không, chứ không phải chỉ nhìn bằng mắt thường hoặc đánh giá cảm quan, cảm tính là "không dùng căn nhà này nữa" để yêu cầu bồi thường thiệt hại toàn bộ căn nhà.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.