Có được bán tinh trùng cho người khác không? Mua bán tinh trùng cho nhiều người bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Có được bán tinh trùng cho người khác không?
Căn cứ Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.
2. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
Theo đó, mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.
Như vậy, tinh trùng không được xem là mô hay bộ phận cơ thể người. Hành vi bán tinh trùng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, có thể bán tinh trùng cho người khác.
Có được bán tinh trùng cho người khác không? (Hình từ Internet)
Bán tinh trùng của mình cho nhiều người bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định:
Quy định về việc cho tinh trùng, cho noãn
...
4. Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp tên tuổi, địa chỉ hoặc hình ảnh của người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, nhận phôi;
b) Sử dụng tinh trùng, noãn của một người cho để dùng cho từ hai người trở lên, trừ trường hợp không sinh con thành công;
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cơ sở vi phạm đồng thời từ 03 hành vi trở lên trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và các điểm c, d, đ, e, g khoản 4 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.
Như vậy, hành vi bán tinh trùng cho nhiều người có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với cơ sở có hành vi sử dụng tinh trùng cho nhiều người không đúng quy định pháp luật, ngoài bị phạt tiền còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Lưu ý: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, tổ chức có hành vi sử dụng tinh trùng cho nhiều người không đúng quy định pháp luật bị phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền vi phạm hành chính đối với hành vi bán tinh trùng của mình cho nhiều người không?
Căn cứ khoản 2 Điều 103 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP và điểm b khoản 27 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 3 Nghị định này.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế.
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán tinh trùng của mình cho nhiều người.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.