Cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại không được chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp nào?
Cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại không được chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 60 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
Các loại cổ phần, cổ đông
1. Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
2. Tổ chức tín dụng là công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi biểu quyết.
...
Như vậy, ngân hàng thương mại phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
Căn cứ theo Điều 64 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại không được chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp:
(1) Chuyển nhượng cổ phần trong thời gian đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng thương mại.
(2) Trong thời gian đang xử lý hậu quả do trách nhiệm cá nhân theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) không được chuyển nhượng cổ phần, trừ một trong các trường hợp sau đây:
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) là đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức bị sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) bị buộc chuyển nhượng cổ phần theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác nhằm thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại không được chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp nào? (hình từ internet)
Cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại được ưu tiên mua cổ phần mới không?
Căn cứ theo Điều 61 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì cổ phần phổ thông trong ngân hàng thương mại có quyền:
(1) Tham dự và phát biểu ý kiến trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
(2) Nhận cổ tức theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
(3) Được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong tổ chức tín dụng.
(4) Chuyển nhượng cổ phần, quyền mua cổ phần cho cổ đông khác của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và Điều lệ của tổ chức tín dụng.
(5) Xem, tra cứu, trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình.
(6) Xem, tra cứu, trích lục, sao chụp Điều lệ của tổ chức tín dụng, sổ biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
(7) Được chia phần tài sản còn lại tương ứng với số cổ phần sở hữu tại tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng giải thể hoặc phá sản.
(8) Ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; người được ủy quyền không được ứng cử với tư cách của chính mình.
(9) Ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc theo quy định của pháp luật nếu Điều lệ của tổ chức tín dụng không quy định. Danh sách ứng cử viên phải được gửi đến Hội đồng quản trị theo thời hạn do Hội đồng quản trị quy định.
(10) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
Như vậy, cổ đông phổ thông của ngân hàng thương mại được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong ngân hàng thương mại.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân trong ngân hàng thương mại là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
Tỷ lệ sở hữu cổ phần
1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
...
5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân trong ngân hàng thương mại là 05% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại.
Đồng thời, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại.
Lưu ý: Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.