Cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã được quy định như thế nào? Thành viên Ban kiểm soát bị mất tư cách khi nào?
Cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã được quy định như thế nào?
Điều 73 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:
"... Tổ chức tín dụng là hợp tác xã gồm ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân."
Điều 75 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 quy định về cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã như sau:
"1. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).
2. Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, am hiểu về hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến việc bầu, bổ nhiệm các chức danh quy định tại khoản này
3. Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải có kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước."
Như vậy, cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã gồm:
- Đại hội thành viên: là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của ngân hàng hợp tác xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 80 Luật các tổ chức tín dụng (khoản 1 Điều 37 Thông tư 31/2012/TT-NHNN)
- Hội đồng quản trị: là cơ quan quản trị của ngân hàng hợp tác xã có quyền nhân danh ngân hàng hợp tác xã để quyết định, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của ngân hàng hợp tác xã, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên (khoản 1 Điều 21 Thông tư 31/2012/TT-NHNN)
- Ban kiểm soát: thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị (khoản 2 Điều 21 Thông tư 31/2012/TT-NHNN)
- Tổng Giám đốc (Giám đốc): là người điều hành cao nhất của ngân hàng hợp tác xã, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (khoản 3 Điều 21 Thông tư 31/2012/TT-NHNN)
Cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã
Tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã là gì?
Điều 24 Thông tư 31/2012/TT-NHNN quy định tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát gồm:
(1) Thành viên Ban kiểm soát phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Có thời gian công tác ở một trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng từ 03 (ba) năm trở lên;
b) Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng.
(2) Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm và không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.
(3) Thành viên Ban kiểm soát không được là những đối tượng được quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật các tổ chức tín dụng.
Theo đó, thành viên Ban kiểm soát cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên.
Khi nào thành viên Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã bị mất tư cách?
Khoản 1 Điều 35 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về trường hợp đương nhiên bị mất tư cách như sau:
"1. Các trường hợp sau đây đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc):
a) Mất năng lực hành vi dân sự, chết;
b) Vi phạm quy định tại Điều 33 của Luật này về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ;
c) Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn củatổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tư cách pháp nhân;
d) Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức;
đ) Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Khi tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;
g) Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực;
h) Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân."
Ngoài ra, trường hợp thành viên Ban kiểm soát bị mất tư cách, khoản 2, 3 ĐIều 35 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 còn có một số quy định như sau:
"2. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh về việc các đối tượng đương nhiên mất tư cách theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng trên đương nhiên mất tư cách và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này; thực hiện các thủ tục bầu, bổ nhiệm chức danh bị khuyết theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi đương nhiên mất tư cách, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm."
Như vậy, cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã gồm những thành phần nêu trên. Mỗi vị trí sẽ có những điều kiện, tiêu chuẩn nhất định cần đáp ứng. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định một số trường hợp thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng hợp tác xã nói riêng đương nhiên bị mất tư cách, cần chú ý để áp dụng cho phù hợp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.