Có cần xuất hóa đơn đối với tài sản góp vốn không? Tài sản nào sẽ được góp vốn khi thành lập doanh nghiệp?
Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp có thể bao gồm những loại tài sản nào?
Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Điều 34. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp (hoặc góp thêm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp) có thể bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Tài sản nào sẽ được góp vốn khi thành lập doanh nghiệp? (Hình từ Internet)
Có cần xuất hóa đơn đối với tài sản góp vốn không?
Căn cứ vào điểm e khoản 3 Điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có quy định như sau:
“Điều 13. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
…
3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
…
e) Trường hợp góp vốn bằng tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp thì không phải lập hóa đơn mà sử dụng các chứng từ biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản, biên bản định giá tài sản kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
…”.
Tham khảo thêm nội dung của Công văn 72271/CT-TTHT năm 2019 về xuất hóa đơn đối với hoạt động góp vốn bằng tài sản cố định do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành:
“Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời theo nguyên tắc như sau:
1. Về xuất hóa đơn khi góp vốn thành lập doanh nghiệp:
Trường hợp Công ty cổ phần Bao bì Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) thực hiện góp vốn bằng tài sản cố định để thành lập công ty con thì Công ty không phải xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT khi góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính”.
Như vậy, khi góp vốn bằng tài sản sẽ không cần phải xuất hoá đơn.
Các trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT là những trường hợp nào?
Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:
"Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
…
7. Các trường hợp khác:
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:
a) Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
a) Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
b) Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.
Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một cơ sở kinh doanh thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải xuất hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 6 Điều này”.
Như vậy, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.