Có cần thực hiện ghi nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học trước khi đưa ra thị trường? Tổ chức có được tự xác định kích thước nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học?
Có cần thực hiện ghi nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học trước khi đưa ra thị trường?
Ghi nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học (Hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật An toàn thực phẩm 2010 như sau:
Ghi nhãn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
2. Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ “thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh;
b) Đối với phụ gia thực phẩm phải ghi cụm từ “phụ gia thực phẩm” và các thông tin về phạm vi, liều lượng, cách sử dụng;
c) Đối với thực phẩm đã qua chiếu xạ phải ghi cụm từ “thực phẩm đã qua chiếu xạ”;
d) Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”.
3. Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; quy định cụ thể thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn, mức tỷ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn.
Theo đó, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải lưu ý về việc ghi nhãn đối với thực phẩm dinh dưỡng y học theo quy định trên của pháp luật.
Tổ chức có được tự xác định kích thước nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về kích thước nhãn hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn được quy định như sau:
Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này;
2. Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường;
Theo đó, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu được quy định nêu trên.
Ghi sai kích thước nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học sẽ bị xử lý ra sao?
Theo Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) quy định hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa sẽ bị xử lý như sau:
Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan.
a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông; buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm; buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 46 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) quy định đối với thực phẩm dinh dưỡng y học có giá trị đến 5.000.000 đồng có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan.
Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng 02 biện khắc phục hậu quả, gồm:
+ Buộc thu hồi thực phẩm dinh dưỡng y học và buộc ghi nhãn đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông; buộc tiêu hủy nhãn thực phẩm dinh dưỡng y học vi phạm; buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thực phẩm dinh dưỡng y học có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi thực phẩm dinh dưỡng y học;
+ Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa, trừ quy định tại các Điều 11, 12 và 13 của Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.