Có cần thiết phải tiến hành điều tra, đánh giá di sản địa chất khi thực hiện hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hay không?

Sắp tới tôi được giao nhiệm vụ tham gia nhóm đánh giá địa chất về khoáng sản. Tôi nghe nói để thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thì phải gắn liền với việc điều tra, đánh giá di sản địa chất. Tôi muốn biết điều này có đúng hay không? Có thể giải thích sơ qua cho tôi di sản địa chất gồm những loại nào không? Điều tra, đánh giá di sản địa chất là làm những gì? Kinh phí thực hiện được lấy từ đâu?

Có cần thiết phải tiến hành điều tra, đánh giá di sản địa chất khi thực hiện hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản như sau:

"Điều 14. Điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất và kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
1. Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phải gắn với điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất."

Có thể thấy, để tiến hành công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tổ chức, cá nhân cần thực hiện kèm theo hoạt động điều tra, đánh giá di sản địa chất và công viên địa chất. Việc thực hiện được quy định cụ thể theo pháp luật hiện hành.

Có những loại di sản địa chất nào?

Trước hết cần nắm được bản chất của di sản địa chất là gì. Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 50/2017/TT-BTNMT quy định về di sản địa chất như sau:

"2. Di sản địa chất là một phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế."

Theo đó, di sản địa chất gồm những loại cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 50/2017/TT-BTNMT:

- Di sản cổ sinh (ký hiệu Kiểu A) là một điểm hoặc tập hợp điểm trong tự nhiên, chứa một hoặc nhiều loại hóa thạch đặc trưng có giá trị định tuổi, chỉ thị cho điều kiện cổ môi trường tại một khu vực và là kết quả của một giai đoạn lịch sử địa chất khu vực;

- Di sản địa mạo (ký hiệu Kiểu B) là cảnh quan địa mạo (ký hiệu Kiểu B1) hoặc hang động (ký hiệu Kiểu B2) có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, độc đáo và thể hiện lịch sử địa chất khu vực;

- Di sản cổ môi trường (ký hiệu Kiểu C) là một điểm hoặc tập hợp điểm lộ địa chất chứa những dấu tích rõ ràng, đặc trưng về môi trường thành tạo đá trong lịch sử địa chất khu vực;

- Di sản đá (ký hiệu Kiểu D) là một hoặc tập hợp điểm lộ địa chất thể hiện các thành tạo đá đặc trưng cho một giai đoạn lịch sử địa chất khu vực;

- Di sản địa tầng (ký hiệu Kiểu E) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất hoặc mặt cắt địa chất thể hiện đặc điểm, trật tự, ranh giới của một hoặc nhiều phân vị địa tầng;

- Di sản khoáng vật, khoáng sản (ký hiệu Kiểu F) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất có khoáng vật hoặc khoáng sản đặc trưng về thành phần, nguồn gốc và điều kiện thành tạo;

- Di sản kinh tế địa chất (ký hiệu Kiểu H) là mỏ khoáng sản đã dừng khai thác có cảnh quan đẹp, đặc trưng về quy mô, thành phần quặng, đá và lưu giữ đầy đủ các tư liệu lịch sử về hoạt động, phát triển mỏ khoáng sản;

- Di sản kiến tạo (ký hiệu Kiểu I) là một điểm lộ hoặc tập hợp điểm lộ địa chất thể hiện rõ các dấu tích cấu trúc kiến tạo, dấu tích dịch chuyển tương đối của một hoặc nhiều quá trình chuyển động kiến tạo khu vực;

- Di sản vũ trụ (ký hiệu Kiểu K) là khu vực còn lưu giữ các sản phẩm, dấu tích thiên thạch hoặc dấu tích các va đập có nguồn gốc vũ trụ;

- Di sản lục địa, đại dương (ký hiệu Kiểu L) là khu vực lưu giữ dấu tích những biến động lớn liên quan đến hình thành, biến đổi vỏ lục địa và đại dương.

Di sản địa chất

Di sản địa chất

Hoạt động điều tra, đánh giá di sản địa chất gồm những nội dung nào?

Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất được quy định tại Điều 5 Thông tư 50/2017/TT-BTNMT như sau:

(1) Điều tra, đánh giá di sản địa chất là việc thực hiện công tác điều tra, đánh giá về giá trị địa chất của các kiểu di sản địa chất quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

(2) Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất:

a) Điều tra, đánh giá về giá trị khoa học, giáo dục của di sản địa chất, trong đó, tập trung điều tra, đánh giá về vị trí, không gian phân bố, đặc điểm địa chất, tính đa dạng địa chất và ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất;

b) Điều tra, đánh giá về giá trị thẩm mỹ của di sản địa chất;

c) Điều tra, đánh giá về giá trị kinh tế của di sản địa chất, trong đó, tập trung điều tra, đánh giá về tiềm năng khai thác, sử dụng di sản địa chất;

d) Xác định các mối đe dọa và nhu cầu bảo tồn di sản địa chất;

đ) Nội dung điều tra, đánh giá di sản địa chất quy định tại các điểm a, b, c và điểm d khoản này được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Kinh phí thực hiện điều tra, đánh giá di sản địa chất được lấy từ đâu?

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định 158/2016/NĐ-CP có quy định như sau:

"2. Kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật khoáng sản và được bổ sung từ tiền hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền đầu tư của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
3. Hàng năm, căn cứ vào nguồn thu quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối mức bổ sung kinh phí cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản."

Có thể thấy, hoạt động điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản khi thực hiện phải gắn liền với hoạt động điều tra, đánh giá di sản địa chất và công viên địa chất. Do đó, có thể hiểu kinh phí thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá di sản địa chất cũng được lấy kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và được bổ sung từ tiền hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền đầu tư của tổ chức, cá nhân.




MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,142 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào