Có cần phải lập sổ theo dõi đối với số lượng bò trước khi giết mổ hay không? Phần thịt bò mát phải được bảo quản như thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn?

Tôi muốn hỏi là trước khi tiến hành giết mổ bò thì có cần lập sổ theo dõi hay không? Và cần đảm bảo điều kiện gì đối với bò được giết mổ? Sau giết mổ phải tiến hành bảo quản thịt bò như thế nào? Xin cảm ơn.

Có cần phải lập sổ theo dõi đối với số lượng bò trước khi giết mổ hay không?

Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 5 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra trước khi giết mổ như sau:

"Điều 5. Kiểm tra trước giết mổ
1. Kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ của cơ sở giết mổ; Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định.
4. Lập sổ theo dõi và ghi chép những thông tin cần thiết trước giết mổ bao gồm:
a) Tên chủ động vật;
b) Nơi xuất phát của động vật;
c) Loại động vật;
d) Số lượng động vật trong cùng một lô;
đ) Thời gian nhập;
e) Kết quả kiểm tra trước khi giết mổ (triệu chứng lâm sàng, thân nhiệt của động vật trong trường hợp có biểu hiện bất thường);
g) Số lượng, lý do động vật chưa được giết mổ;
h) Biện pháp xử lý;
i) Chữ ký của nhân viên thú y."

Như vậy, trước khi giết mổ bò thì cơ sở giết mổ cần phải kiểm tra hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc bò được đưa vào giết mổ; Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định; lập sổ theo dõi và ghi chép thông tin cần thiết đối với bò để đảm bảo bò không có vấn đề về sức khỏe hay các vấn đề khác đồng thời sổ theo dõi phải có chữ ký của cả nhân viên thú y.

Cơ sở sản xuất có phải lập sổ theo dõi đối với số lượng trước khi giết mổ bò hay không?

Có cần phải lập sổ theo dõi đối với số lượng bò trước khi giết mổ hay không? (Hình từ Internet)

Trước khi giết mổ bò có phải để cho bò trở về trạng thái bình thường hay không?

Theo tiểu mục 4.2.2 và tiểu mục 4.2.3 Mục 4 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò quy định về trâu bò trong quá trình giết mỗ như sau:

"4 Các yêu cầu
4.2.2 Chờ giết mổ
Trâu bò phải được nghỉ ngơi, bảo đảm cho con vật trở về trạng thái bình thường, được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch trong thời gian chờ giết mổ và bảo đảm đối xử nhân đạo với động vật.
4.2.3 Giết mổ
Trâu, bò sống đưa vào khu vực giết mổ được làm ngất bằng thiết bị bảo đảm đối xử nhân đạo với động vật, ngay sau đó được lấy huyết, lột da và tách nội tạng."

Ngoài ra tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra trước khi giết mổ như sau:

"Điều 5. Kiểm tra trước giết mổ
3. Kiểm tra lâm sàng động vật:
a) Phải được tiến hành tại khu vực chờ giết mổ, có đủ ánh sáng;
b) Quan sát các biểu hiện lâm sàng của động vật: Trường hợp phát hiện động vật có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, phải cách ly động vật và kiểm tra lại toàn đàn. Mọi trường hợp động vật có dấu hiệu bất thường đều phải được đánh dấu, tách riêng, theo dõi và xử lý theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này;
c) Chỉ cho phép giết mổ gia súc đáp ứng yêu cầu tại Điều 4, sạch, được lưu giữ tại khu vực chờ giết mổ để bảo đảm gia súc trở về trạng thái bình thường và đã được kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ;
d) Đối với động vật lưu giữ chưa giết mổ sau 24 giờ, phải tái kiểm tra lâm sàng."

Theo đó, trước khi giết mổ bò phải để cho bò được nghỉ ngơi, bảo đảm cho con vật trở về trạng thái bình thường, được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch trong thời gian chờ giết mổ.

Ngoài ra, cơ sở cũng cần phải tiến hành kiểm tra biểu hiện của động vật có mắc bệnh truyền nhiễm hay không. Quá trình giết mổ phải được thực hiện ở nơi có đủ ánh sáng, trạng thái của trâu, bò phải trở về trạng thái bình thường; quá trình gây mê phải bằng thiết bị bảo đảm đối xử nhân đạo sau đó mới được lấy huyết, lột da và tách nội tạng.

Phần thịt bò mát phải được bảo quản như thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn?

Theo tiểu mục 3.1 Mục 3 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò quy định về thịt trâu, bò mát như sau:

"3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1
Thịt trâu, bò mát (chilled buffalo meat, chilled beef)
Thân thịt trâu, bò ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên thân thịt hoặc xẻ đôi, hoặc xẻ tư, trải qua quá trình làm mát liên tục trong khoảng thời gian không quá 48 h, bảo đảm tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ thấp hơn 7 °C và không thấp hơn -1,5 °C. Các dạng sản phẩm như cắt miếng hoặc xay được pha lọc từ thân thịt đã qua quá trình làm mát. Thịt trâu, bò mát được vận chuyển và bảo quản bảo đảm duy trì nhiệt độ sản phẩm từ 0 °C đến 4 °C."

Tại tiểu mục 4.2.4 Mục 4 TCVN 12429-2:2020 về Thịt mát - Phần 2: Thịt trâu, bò quy định về làm mát thịt sau khi giết mỗ như sau:

"4 Các yêu cầu
4.2 Yêu cầu về quá trình
4.2.4 Làm mát
Quá trình làm mát phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc quá trình giết mổ và bảo đảm tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ thấp hơn 7 °C và không thấp hơn -1,5 °C trong khoảng thời gian không quá 48 h."

Theo đó, sau giết mổ thì quá trình làm mát phải được thực hiện ngay và phải bảo đảm tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ thấp hơn 7 °C và không thấp hơn -1,5 °C trong khoảng thời gian không quá 48h.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,137 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào