Có bị coi là vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản nếu sử dụng tàu cá có chiều dài 13 mét khai thác thủy sản tại vùng khơi không?

Tôi có một chiếc tàu khai thác thủy sản dài khoảng 13 mét. Cách đây vài ngày, trong lúc lái tàu ra vùng khơi để đánh bắt cá thì tôi bị cơ quan chức năng xử phạt với lý do là vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản. Vậy cho tôi hỏi việc cơ quan chức năng xử phạt tôi có hợp lý không? Sử dụng tàu cá có chiều dài 13 mét thì được đánh bắt thủy sản ở vùng nào? - Câu hỏi của anh Hải (Bình Thuận)

Vùng biển Việt Nam được phân thành bao nhiêu vùng khai thác thủy sản?

Căn cứ Điều 42 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định, vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:

- Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ.

Vùng ven bờ đối với các đảo, là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;

- Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;

- Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.

Sử dụng tàu cá có chiều dài 13 mét khai thác thủy sản tại vùng khơi có bị coi là vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản không?

Sử dụng tàu cá có chiều dài 13 mét khai thác thủy sản tại vùng khơi có bị coi là vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản không? (Hình ảnh từ Internet)

Phạm vi hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 43 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam như sau:

Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam
1. Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
2. Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
3. Quy định về treo cờ:
a) Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản này.

Như vậy, theo quy định trên thì tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ.

Do đó, việc bạn lái tàu có chiều dài 13 mét đánh bắt cá ở vùng khơi là vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản.

Vì vậy, trong trường hợp này, việc cơ quan chức năng xử phạt bạn là hợp lý.

Cá nhân sử dụng tàu cá có chiều dài 13 mét khai thác thủy sản tại vùng khơi bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ Điều 21 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản như sau:

Vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản tại vùng lộng hoặc vùng khơi.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét khai thác thủy sản tại vùng ven bờ hoặc vùng khơi.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản tại vùng ven bờ hoặc vùng lộng.
6. Đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định tại các khoản 3,4 và 5 Điều này.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3,4, 5 và 6 Điều này.

Như vậy, theo quy định trên, hành vi lái tàu có chiều dài 13 mét ra vùng khơi để đánh bắt cá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, bạn còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung đối với hành vi này là tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 01 tháng đến 06 tháng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

3,002 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào