Có bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp?
- Có bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp?
- Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam thì chế độ bảo hiểm xã hội của họ được xử lý như thế nào?
Có bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục. [...]"
Và căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động. [...]"
Và khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã được thay thế bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 15. Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội
1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội và trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam và thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật bảo hiểm xã hội; Điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 9, 10, 13, 14, 17, 18, 21, 22, 25 và Điều 26 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trừ quy định tại khoản 3 Điều này và Điều 16 của Nghị định này.
2. Hồ sơ tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động tại khoản 1 Điều này do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Trong thời hạn 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thời điểm giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực (tùy thuộc điều kiện nào đến trước) mà người lao động không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không được gia hạn giấy phép, người lao động có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam thì chế độ bảo hiểm xã hội của họ được xử lý như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 16. Trình tự, giải quyết chuyển đổi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam
1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần nộp đơn đề nghị cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Đặt câu hỏi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.