Có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động không? Nếu không đăng ký thì có bị xử phạt gì không?
- Người sử dụng lao động có cần phải ban hành nội quy lao động hay không?
- Có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động không?
- Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký nội quy lao động?
- Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động được quy định như thế nào?
- Nếu không đăng ký nội quy lao động thì doanh nghiệp có bị xử lý gì hay không?
Người sử dụng lao động có cần phải ban hành nội quy lao động hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.”
Theo đó, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản.
Trường hợp sử dụng dưới 10 người lao động thì người sử dụng lao động không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.
Tải về Mẫu nội quy lao động mới nhất 2024
Có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động không?
Nội quy lao động vốn được xem là một công cụ giúp duy trì được trật tự trong doanh nghiệp, giúp người sử dụng lao động điều hành mọi hoạt động trong doanh nghiệp một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết có cần phải đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:
“1. Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.”
Như vậy, không phải mọi trường hợp người sử dụng lao động đều phải đăng ký nội quy lao động. Chỉ khi nào người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì mới phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.
Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký nội quy lao động?
Theo quy định tại khoản 1, 4 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký nội quy lao động là:
- Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh. Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động theo quy định.
- Trường hợp người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thủ tục đăng ký nội quy lao động
Tải trọn bộ các văn bản về việc bắt buộc đăng ký nội quy lao động hiện hành: Tải về
Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động được quy định như thế nào?
Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động được quy định cụ thể tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:
Bước 01: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
Bước 02: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.
Như vậy, nếu bạn thuộc trường hợp phải đăng ký nội quy lao động thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động bạn phải nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Nếu không đăng ký nội quy lao động thì doanh nghiệp có bị xử lý gì hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, như sau:
“Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo nội quy lao động đến toàn bộ người lao động hoặc không niêm yết những nội dung chính của nội quy lao động ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
b) Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;
c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;
d) Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;
đ) Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;
e) Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
...”
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt được quy định đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định này).
Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn thuộc trường hợp phải đăng ký nội quy lao động nhưng lại không tiến hành đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có thể bị xử phạt hành chính với số tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.