Có bắt buộc Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư phải có mặt khi Hội đồng tư vấn làm việc hay không?
- Xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư theo trình tự như thế nào?
- Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư được thành lập với số lượng bao nhiêu thành viên?
- Có bắt buộc Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư phải có mặt khi Hội đồng tư vấn làm việc hay không?
Xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư theo trình tự như thế nào?
Xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư theo trình tự như thế nào? (Hình từ Internet)
Theo Điều 6 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN quy định xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ Nghị định thư được thực hiện theo trình tự như sau:
(1) Căn cứ xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ Nghị định thư:
- Yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước;
- Chiến lược và kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;
- Chiến lược khoa học và công nghệ, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm;
- Đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan nhà nước khác ở trung ương;
- Đề xuất của các đối tác nước ngoài có quan hệ truyền thống đặc biệt.
(2) Trình tự xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ Nghị định như:
Bước 1: Trao đổi với đối tác nước ngoài:
Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi sơ bộ với đối tác nước ngoài về các vấn đề ưu tiên hợp tác, các yêu cầu và kế hoạch hợp tác đối với nhiệm vụ Nghị định thư;
Bước 2: Xây dựng đề xuất đặt hàng:
- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư, xây dựng danh mục các vấn đề ưu tiên hợp tác, các yêu cầu đối với nhiệm vụ Nghị định thư;
- Trên cơ sở kết quả làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ đàm phán, thống nhất với đối tác nước ngoài các vấn đề ưu tiên hợp tác, các yêu cầu, kế hoạch hợp tác đối với nhiệm vụ Nghị định thư và thống nhất nội dung Thông báo tuyển chọn nhiệm vụ Nghị định thư.
Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư được thành lập với số lượng bao nhiêu thành viên?
Theo Điều 7 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN quy định như sau:
Hội đồng xác định nhiệm vụ
1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ. Thành phần của Hội đồng xác định nhiệm vụ có từ 05 đến 09 thành viên, bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên là các chuyên gia, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể quyết định số lượng thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ khác với quy định này.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ cử 01 thư ký hành chính để chuẩn bị tài liệu và tổ chức các phiên họp của Hội đồng. Thư ký hành chính có trách nhiệm chuẩn bị và gửi tài liệu đến tất cả thành viên Hội đồng tối thiểu 03 ngày làm việc trước phiên họp Hội đồng.
3. Tài liệu làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ bao gồm:
a) Quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ;
b) Nghị định thư;
c) Các tài liệu có liên quan quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này;
d) Biên bản họp Hội đồng xác định nhiệm vụ (Mẫu số 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
e) Các tài liệu liên quan khác.
Theo đó, Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập với số lượng từ 05 đến 09 thành viên, bao gồm:
- Chủ tịch,
- Phó chủ tịch.
- Các thành viên là các chuyên gia, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan.
Lưu ý: Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể quyết định số lượng thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ khác với quy định này.
Có bắt buộc Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư phải có mặt khi Hội đồng tư vấn làm việc hay không?
Theo Điều 8 Thông tư 10/2019/TT-BKHCN quy định như sau:
Phương thức làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ
1. Hội đồng chỉ làm việc khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch được ủy quyền.
2. Thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về:
a) Các vấn đề ưu tiên hợp tác thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư;
b) Yêu cầu cụ thể đối với các nhiệm vụ Nghị định thư (phù hợp với từng đối tác nước ngoài);
c) Yêu cầu về sản phẩm đối với các nhiệm vụ Nghị định thư.
3. Hội đồng xác định nhiệm vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các ý kiến kết luận của Hội đồng được thông qua khi trên 3/4 số thành viên của Hội đồng có mặt nhất trí bằng hình thức biểu quyết trực tiếp.
Theo đó, căn cứ trên quy định Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư chỉ làm việc khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch được ủy quyền.
Như vậy, không bắt buộc Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Nghị định thư phải có mặt khi Hội đồng tư vấn làm việc mà có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.