Chuyển tiền nhầm sang số tài khoản của người khác thì có tìm được chủ số tài khoản đó để lấy lại tiền hay không?

Hôm qua tôi có chuyển một số tiền khá lớn cho bạn tôi vay nhưng không may lại chuyển nhầm sang số tài khoản khác. Vậy trong trường hợp này, tôi phải làm sao để có thể lấy lại được số tiền của mình? Tôi có cần phải tìm đến tận nhà chủ tài khoản kia để xin lại tiền hay không?

Thanh toán liên ngân hàng là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 37/2016/TT-NHNN, thanh toán điện tử liên ngân hàng (sau đây gọi tắt là thanh toán liên ngân hàng) là quá trình xử lý các giao dịch thanh toán liên ngân hàng kể từ khi khởi tạo Lệnh thanh toán cho tới khi hoàn tất thực hiện Lệnh thanh toán, được thực hiện qua mạng máy tính.

Trong đó, lệnh thanh toán là một tin điện sử dụng để thực hiện một giao dịch thanh toán trong Hệ thống thanh toán liên ngân hàng (theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 37/2016/TT-NHNN)

Lệnh thanh toán được hủy và hoàn trả tại các thành viên và đơn vị thành viên theo nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 30 Thông tư 37/2016/TT-NHNN, việc hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán tại các thành viên và đơn vị thành viên được quy định như sau:

(1) Nguyên tắc

a) Lệnh thanh toán chỉ được hủy trong các trường hợp sau:

- Đã khởi tạo tại đơn vị khởi tạo lệnh nhưng chưa chuyển đi, thực hiện thao tác thoái Lệnh thanh toán;

- Đã chuyển đến Trung tâm xử lý quốc gia và đang trong hàng đợi quyết toán đối với Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ; đang trong hàng đợi xử lý đối với Lệnh thanh toán giá trị thấp, thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Thông tư 37/2016/TT-NHNN;

b) Lệnh thanh toán chỉ được hoàn trả trong các trường hợp sau:

- Lệnh thanh toán Nợ chỉ được hoàn trả khi đơn vị khởi tạo lệnh chưa ghi Có vào tài khoản của khách hàng hoặc đã ghi Có vào tài khoản của khách hàng nhưng thu hồi lại được;

- Lệnh thanh toán Có chỉ được hoàn trả khi đơn vị nhận lệnh chưa ghi Có vào tài khoản của khách hàng hoặc đã ghi Có vào tài khoản của khách hàng nhưng thu hồi lại được.

(2) Chứng từ hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán:

a) Chứng từ hủy Lệnh thanh toán bao gồm:

- Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ: có giá trị như một Lệnh thanh toán Có, do đơn vị khởi tạo lệnh lập và gửi đơn vị nhận lệnh để hủy Lệnh thanh toán Nợ bị sai sót (hoàn trả toàn bộ số tiền);

- Lệnh hủy Lệnh thanh toán Có: do đơn vị khởi tạo lệnh lập để hủy Lệnh thanh toán Có đã chuyển đi nhưng còn trong hàng đợi;

b) Chứng từ hoàn trả Lệnh thanh toán bao gồm:

- Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị khởi tạo lệnh lập và gửi cho đơn vị nhận lệnh đề nghị hoàn trả Lệnh thanh toán Có bị sai sót và ghi rõ lý do là lỗi của đơn vị khởi tạo lệnh hay do yêu cầu khách hàng; là căn cứ để đơn vị nhận lệnh lập Lệnh thanh toán Có đi trả tiền cho đơn vị khởi tạo lệnh trên cơ sở đã thu hồi lại được tiền;

- Thông báo chấp nhận yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị nhận lệnh lập để chấp nhận Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có trên cơ sở đã thu hồi lại được tiền;

- Thông báo từ chối yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán: đơn vị nhận lệnh lập để từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có do không thu hồi được tiền từ khách hàng.

(3) Các đơn vị thành viên khi xử lý hủy và hoàn trả Lệnh thanh toán phải thực hiện khẩn trương như đối với việc xử lý các Lệnh thanh toán giá trị cao.

Có thể thấy, pháp luật hiện hành về thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia đã có những quy định cụ thể về việc hủy và hoàn trả đối với lệnh thanh toán như trên.

Chuyển tiền liên ngân hàng nhưng sai số tài khoản phải xử lý thế nào?

Chuyển tiền liên ngân hàng nhưng sai số tài khoản

Chuyển tiền liên ngân hàng nhưng sai số tài khoản phải xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN, việc xử lý sai sót tại đơn vị nhận lệnh trong trường hợp lệnh thanh toán bị saai thừa do thành viên, đơn vị thành viên được quy định như sau:

"Điều 32. Xử lý sai sót tại đơn vị nhận lệnh trong trường hợp phát sinh do thành viên, đơn vị thành viên
..
3. Đối với Lệnh thanh toán bị sai thừa:
a) Phát hiện trước khi trả tiền cho khách hàng:
Nếu đơn vị nhận lệnh chưa nhận được Lệnh thanh toán bị sai thừa nhưng đã nhận được yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh về chuyển tiền thừa thì đơn vị nhận lệnh phải ghi sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi nhận được Lệnh thanh toán bị sai thừa, đơn vị nhận lệnh kiểm soát, đối chiếu với nội dung yêu cầu hoàn trả nhận được, nếu đúng thì hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa: khi nhận được Yêu cầu hoàn trả đối với số tiền thừa thì lập Lệnh thanh toán Có đi hoàn trả đơn vị khởi tạo lệnh số tiền thừa;
- Đối với Lệnh thanh toán Nợ bị sai thừa: theo dõi và xử lý Lệnh hủy Lệnh thanh toán Nợ đối với số tiền thừa của đơn vị khởi tạo lệnh;
b) Trường hợp nhận được yêu cầu hoàn trả của đơn vị khởi tạo lệnh sau khi đã trả tiền cho khách hàng thì đơn vị nhận lệnh ghi Sổ theo dõi Lệnh thanh toán bị sai sót và xử lý:
- Đối với Lệnh thanh toán Có bị sai thừa:
Khi nhận được Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đối với số tiền chuyển thừa của đơn vị khởi tạo lệnh, nếu Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có là hợp lệ thì đơn vị nhận lệnh xử lý:
+ Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng có đủ số dư: Căn cứ vào Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh chủ động phong tỏa/thu hồi số tiền bị sai thừa để lập Lệnh thanh toán Có đi mà không cần thông báo trước hoặc không cần sự đồng ý trước của chủ tài khoản. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, đơn vị nhận lệnh phải thực hiện chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh số tiền chuyển thừa;
+ Trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện, thực hiện phong tỏa và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền hoặc tài khoản của khách hàng có đủ số dư để hoàn trả, kế toán ghi xuất Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa thực hiện được, lập Lệnh thanh toán Có gửi đơn vị khởi tạo lệnh;
+ Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải là đơn vị đầu mối phối hợp với đơn vị khởi tạo lệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, v.v... để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền. Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì đơn vị nhận lệnh được từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có; lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, ghi rõ lý do từ chối; gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh (số tiền thu hồi được nếu có); đồng thời ghi xuất sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện.
..."

Theo đó, bạn có thể lấy lại tiền của mình theo cách sau:

(1) Thông báo ngay cho Ngân hàng nơi chuyển tiền để có cách xử lý kịp thời, thích hợp. Từ đó yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản chuyển nhầm để xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN.

- Cung cấp đầy đủ mọi thông tin phát sinh có liên quan đến quá trình giao dịch như biên lai, chứng minh thư nhân dân, số tài khoản người gửi, số tài khoản thụ hưởng…

Việc yêu cầu cung cấp thông tin và giấy tờ liên quan này giúp ngân hàng dễ dàng kiểm tra các nghiệp vụ đã phát sinh của bạn.

(2) Phía ngân hàng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các nghiệp vụ đã phát sinh theo như thông tin mà bạn cung cấp. Nếu đúng, ngân hàng sẽ liên hệ trực tiếp với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại số tiền đó.

+ Nếu số tài khoản của người được chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng (nghĩa là họ vẫn chưa rút tiền ra khỏi tài khoản) thì tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của bạn.

+ Trường hợp người được chuyển nhầm đã rút hết tiền ra khỏi tài khoản, không còn khả năng thanh toán thì phía ngân hàng chủ quản kia buộc phải liên hệ trực tiếp với người được chuyển nhầm đó để xử lý.

Trên đây là một số thông tin về thanh toán liên ngân hàng, lệnh thanh toán; việc hủy và hoàn trả lệnh thanh toán từ các thành viên và đơn vị thành viên cũng như hướng xử lý trong trường hợp có sai sót tại đơn vị nhận lệnh trong trường hợp phát sinh do thành viên, đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật hiện hành.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,543 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào