Chứng từ kế toán nước ngoài có bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt hay không? Không dịch thì có bị phạt hay không?
Chứng từ kế toán nước ngoài có bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt hay không?
Chứng từ kế toán nước ngoài có bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt hay không? (Hình từ Internet)
Về nội dung chị nêu thì hiện chị có thể xem tại Điều 120 Thông tư 200/2014/TT-BTC (Được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC) như sau:
Dịch chứng từ kế toán ra tiếng Việt
1. Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài, khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt. Những chứng từ ít phát sinh hoặc nhiều lần phát sinh nhưng có nội dung không giống nhau thì phải dịch toàn bộ nội dung chứng từ kế toán. Những chứng từ phát sinh nhiều lần, có nội dung giống nhau thì bản đầu phải dịch toàn bộ, từ bản thứ hai trở đi chỉ dịch những nội dung chủ yếu như: Tên chứng từ, tên đơn vị và cá nhân lập, tên đơn vị và cá nhân nhận, nội dung kinh tế của chứng từ, chức danh của người ký trên chứng từ... Người dịch phải ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về nội dung dịch ra tiếng Việt. Bản chứng từ dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.
2. Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác không phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy đối với chứng từ kế toán nước ngoài thì khi sử dụng để ghi sổ kế toán ở Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt. Còn các trường hợp khác thì không cần.
Khi sử dụng chứng từ nước ngoài để ghi sổ kế toán ở Việt Nam mà không dịch ra tiếng Việt có bị xử phạt không?
Về hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán;
b) Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký;
c) Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền;
d) Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký;
đ) Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ;
e) Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định;
g) Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) có nêu như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó đối với công ty nếu có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ghi sổ kế toán có được sử dụng ngoại tệ hay không?
Tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán như sau:
Điều 3. Đơn vị tiền tệ trong kế toán
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Điều 4. Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán
1. Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
a) Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và
b) Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.
3. Các yếu tố sau đây cũng được xem xét và cung cấp bằng chứng về đơn vị tiền tệ trong kế toán của đơn vị:
a) Đơn vị tiền tệ sử dụng để huy động các nguồn lực tài chính (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu);
b) Đơn vị tiền tệ thường xuyên thu được từ các hoạt động kinh doanh và được tích trữ lại.
4. Đơn vị tiền tệ trong kế toán phản ánh các giao dịch, sự kiện, điều kiện liên quan đến hoạt động của đơn vị. Sau khi xác định được đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đơn vị không được thay đổi trừ khi có sự thay đổi trọng yếu trong các giao dịch, sự kiện và điều kiện đó.
Như vậy việc sử dụng ngoại tệ trong kế toán chỉ áp dụng đối với đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định trên và đơn vị kế toán chỉ được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.