Chức năng của Cục An toàn thông tin là gì? Lãnh đạo Cục An toàn thông tin gồm những thành viên nào?
Chức năng của Cục An toàn thông tin là gì?
Cục An toàn thông tin có chức năng được quy định tại Điều 1 Quyết định 1499/QĐ-BTTTT năm 2023 như sau:
Vị trí và chức năng
Cục An toàn thông tin là tổ chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Cục An toàn thông tin có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.
Theo quy định trên, Cục An toàn thông tin có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Chức năng của Cục An toàn thông tin là gì? Lãnh đạo Cục An toàn thông tin gồm những thành viên nào? (Hình từ Internet)
Trong trực tiếp tổ chức thực thi quản lý nhà nước thì Cục An toàn thông tin có những nhiệm vụ nào?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục An toàn thông tin trong việc trực tiếp tổ chức thực thi quản lý nhà nước được quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 1499/QĐ-BTTTT năm 2023 như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn
...
2. Trực tiếp tổ chức thực thi quản lý nhà nước
a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về an toàn thông tin mạng, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng;
b) Cấp, cấp lại giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật; thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin;
c) Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận tên định danh cho tổ chức, cá nhân sử dụng với mục đích quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại; quản lý hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại; quản lý hoạt động sử dụng tên định danh cho hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, gọi điện thoại;
d) Tổ chức thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng (trừ sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng); Quản lý, kiểm tra, đánh giá, chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy về an toàn thông tin mạng theo quy định;
đ) Quản lý công tác giám sát an toàn hệ thống thông tin mạng; quản lý công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng; quản lý phát triển phần mềm an toàn theo quy định của pháp luật;
e) Giám sát, thu thập, phân tích, dự báo, cảnh báo về nguy cơ, mã độc, sự cố tấn công mạng và xu hướng về các hoạt động, diễn biến trên không gian mạng Việt Nam. Là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, dịch vụ trên mạng Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ, ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật và xử lý tấn công mạng theo quy định;
g) Tổ chức thực hiện chức năng quản lý, điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; chủ trì điều phối ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia theo quy định của pháp luật; là đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong công tác ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng;
...
p) Thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật; tổ chức và quản lý việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công chuyên ngành an toàn thông tin mạng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Cục theo quy định của pháp luật;
q) Hướng dẫn, theo dõi, phối hợp quản lý hoạt động của các hội, hiệp hội hoạt động về an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;
r) Là đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
...
Theo đó, trong trực tiếp tổ chức thực thi quản lý nhà nước thì Cục An toàn thông tin có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều 2 nêu trên.
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin gồm những thành viên nào?
Thành viên lãnh đạo Cục An toàn thông tin được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 1499/QĐ-BTTTT năm 2023 như sau:
Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo Cục:
Cục An toàn thông tin có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác của Cục, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
...
Như vậy, lãnh đạo Cục An toàn thông tin gồm Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.