Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có trong mọi trường hợp đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự đúng không?

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có trong mọi trường hợp đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự đúng không? A biết rõ B là một con bạc (bởi ở địa phương này ai cũng biết B là một người đánh bạc khét tiếng) và trên thực tế trước đó đã nhiều lần B đem đồ đánh bạc có được để bán cho A. Ngày 15/9/2023, B đem một chiếc xe máy đến nhờ A bán hộ. Tuy không hỏi nhưng A biết rõ chiếc xe máy này là do B đánh bạc mà có nên nhận lời với B là cứ để đấy có ai mua sẽ bán hộ. Sau khi vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị phát hiện, theo lời khai của B, Cơ quan điều tra đến thu hồi chiếc xe máy mà B nhờ A bán hộ thì A khai rằng không biết xe do B phạm tội mà có. Vậy trường hợp này A có phạm vào tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không? Đây là câu hỏi của anh G.K đến từ Bình Thuận.

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nào?

Theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 thì:

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định trên, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trực tiếp xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, bên cạnh đó còn gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý, tức là biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có.

Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết thì hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó không bị coi là hành vi phạm tội. Việc xác định người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không là một vấn đề khó.

Để xác định người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có biết rõ là do người khác phạm tội mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan mà đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có; phải căn cứ vào việc giao dịch giữa người chứa chấp hoặc tiêu thụ với người có tài sản.

Đánh giá trong tình huống trên, sau khi vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị phát hiện, theo lời khai của B, Cơ quan điều tra đến thu hồi chiếc xe máy mà B nhờ A bán hộ thì A khai rằng không biết xe do B phạm tội mà có.

Tuy nhiên, căn cứ vào mối quan hệ giữa A và B, chúng ta vẫn có thể đánh giá A biết rõ chiếc xe máy mà B nhờ A bán là tài sản do B phạm tội mà có. Do đó, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội.

Lưu ý: Dù là chứa chấp hay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu họ không hứa hẹn trước.

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có (Hình từ Internet)

Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có sau đó tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Thì theo điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
r) Người phạm tội tự thú;
...

Theo đó, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có sau đó tự thú thì có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có được hoán chấp hành hình phạt tù khi nào?

Người phạm tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có được hoán chấp hành hình phạt tù khi thuộc những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

- Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,590 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào