Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
- Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
- Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì cơ quan công an có được thực hiện lệnh khám xét nơi ở hay không?
- Ai có thẩm quyền ra lệnh khám xét nơi ở khi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có?
Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
"Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì nhẹ nhất bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo đó, nếu bạn không biết tài sản đó là do trộm cắp mà có thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Việc xác định bạn có biết đó là tài sản phạm tội mà có hay không sẽ do nghiệp vụ của cơ quan công an làm rõ.
Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? (Hình từ Internet)
Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có thì cơ quan công an có được thực hiện lệnh khám xét nơi ở hay không?
Căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét chổ ở như sau:
"Điều 192. Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử
1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
2. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử."
Theo đó, việc khám xét nơi ở khi có căn cứ để nhận định nơi ở có chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Do đó việc chứa chấp tài sản (chiếc xe máy) do hành vi trộm cắp mà có sẽ là cơ sở để cơ quan công an thực hiện việc khám xét nơi ở.
Ai có thẩm quyền ra lệnh khám xét nơi ở khi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có?
Căn cứ Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
"Điều 193. Thẩm quyền ra lệnh khám xét
1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
3. Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.
4. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án."
Theo đó, những người có thẩm quyền ra lệnh khám xét nơi ở khi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, bao gồm:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành).
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Và lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.