Chủ xe máy sử dụng biển số giả bị phạt như thế nào? Hành vi bán biển số xe máy giả bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật hiện nay?
Điều kiện tham gia giao thông của xe máy là gì?
Theo Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới như sau:
“Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới
1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;
b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;
c) Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;
d) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;
đ) Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;
e) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;
g) Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;
h) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;
i) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;
k) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.
2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.
3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
4. Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.”
Chủ xe máy sử dụng biển số giả bị phạt như thế nào?
Chủ xe máy sử dụng biển số giả bị phạt như thế nào?
Theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau:
“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
d) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
e) Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
g) Đưa phương tiện không có Giấy đăng ký xe tham gia giao thông hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng; đưa phương tiện có Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, phương tiện có phạm vi hoạt động hạn chế tham gia giao thông quá thời hạn, tuyến đường, phạm vi cho phép (được sửa đổi bởi điểm d khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP);
h) Đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông; đưa phương tiện có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe tham gia giao thông;
i) Lắp đặt, sử dụng thiết bị thay đổi biển số trên xe trái quy định;
k) Đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông; đưa phương tiện gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp tham gia giao thông.”
Ngoài ra, căn cứ điểm a và điểm d khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm r khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sử dụng xe máy gắn biển số giả như sau:
“15. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm d, điểm h, điểm i, điểm k khoản 5; điểm b, điểm e khoản 7; điểm e, điểm i khoản 8; điểm i khoản 9 Điều này bị tịch thu biển số, Giấy đăng ký xe (trường hợp đã được cấp lại); tịch thu hồ sơ, các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; tịch thu biển số, thiết bị thay đổi biển số, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa;
[...]
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 5; điểm g, điểm i khoản 7; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm i khoản 8; điểm c, điểm d, điểm h, điểm i khoản 9; khoản 10; điểm c khoản 12; điểm đ khoản 13 Điều này trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; [...] .”
Như vậy, trường hợp chủ xe máy sử dụng biển số giả có thể bị phạt từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tịch thu biển số giả mạo và có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Bán biển số xe máy giả bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 29 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép như sau:
“Điều 29. Xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép.
4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.”
Như vậy, hành vi bán biển số xe máy giả có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra còn bị tịch thu biển số và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.