Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của mình khi nào?
- Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là những cơ quan tổ chức nào?
- Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của mình khi nào?
- Việc giám sát an ninh mạng có phải là biện pháp bảo vệ an ninh mạng hay không?
Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là những cơ quan tổ chức nào?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Nghị định 53/2022/NĐ-CP thì chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm những trường hợp sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các tổ chức chính trị ở Trung ương;
- Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng, thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Ngoài ra, không gian mạng được hiểu là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của mình khi nào?
Căn cứ tại điểm d khoản 3 Điều 15 Nghị định 53/2022/NĐ-CP về trình tự, thủ tục giám sát an ninh mạng như sau:
Trình tự, thủ tục giám sát an ninh mạng
...
3. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
a) Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật, thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng vào hệ thống thông tin do mình quản lý để phục vụ giám sát an ninh mạng;
c) Cung cấp và cập nhật thông tin về hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý, phương án kỹ thuật triển khai hệ thống giám sát cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền;
d) Thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin định kỳ 03 tháng một lần;
đ) Bảo mật các thông tin liên quan trong quá trình phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
Như vậy, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải có trách nhiệm thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin định kỳ 03 tháng một lần.
Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của mình khi nào? (Hình từ Internet)
Việc giám sát an ninh mạng có phải là biện pháp bảo vệ an ninh mạng hay không?
Căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 5 Luật An ninh mạng 2018 về biện pháp bảo vệ an ninh mạng cụ thể như sau:
Biện pháp bảo vệ an ninh mạng
1. Biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm:
a) Thẩm định an ninh mạng;
b) Đánh giá điều kiện an ninh mạng;
c) Kiểm tra an ninh mạng;
d) Giám sát an ninh mạng;
đ) Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
e) Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng;
g) Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng;
h) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;
i) Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
k) Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;
l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;
m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
n) Biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm việc giám sát an ninh mạng theo quy định.
Tóm lại, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải có trách nhiệm thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin định kỳ 03 tháng một lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.