Chủ nợ cho vay nặng lãi và viết giấy biên nhận thì có quyền khởi kiện khi con nợ không trả tiền hay không?
Cho vay lãi suất 2%/tháng có phải là cho vay nặng lãi và vi phạm quy định pháp luật hay không?
Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
"Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ."
Như vậy, mức lãi suất cho vay không được quá 20%/năm; việc bạn anh cho vay 2%/tháng thì đã được xem là cho vay nặng lãi và vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất.
Chủ nợ cho vay nặng lãi thì có thể khởi kiện khi con nợ không trả tiền hay không?
Căn cứ Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
"Điều 280. Thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Bên cạnh đó căn cứ theo Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như sau:
"Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
..."
Ngoài ra tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:
"Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự
1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
..."
Như vậy trường hợp anh có giấy xác nhận vay nợ của người vay, đến hạn mà người vay không trả, trường hợp không thương lượng được thì anh có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó đó dù mức lãi suất cho vay của bạn anh là trái với quy định của pháp luật tuy nhiên căn cứ vào nghĩa vụ trả tiền được pháp luật quy định thì bạn anh vẫn có thể khởi kiện, yêu cầu bên vay phải có nghĩa vụ trả số tiền đang nợ. Tuy nhiên trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá giới hạn lãi được quy định theo khoản 1 Điều 468 thì không có hiệu lực; do đó anh chỉ đòi được khoản tiền gốc, tiền lãi theo quy định (1,667 %/tháng) và số tiền bồi thường tiền bồi thường vi phạm hợp đồng nếu có thỏa thuận.
Khởi kiện người cho vay nặng lãi
Thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện về việc không trả tiền vay của Tòa án như thế nào?
Theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục xử tiếp nhận và xử lý đơn của Toà án như sau:
"Điều 191. Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện
1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.