Chi phí thực hiện quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường có được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp không?
- Chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường có được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp không?
- Nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
- Trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ môi trường là gì?
Chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường có được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp không?
Căn cứ tại Điều 137 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về hỗ trợ quảng bá các hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích như sau:
Hỗ trợ quảng bá các hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:
a) Quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;
b) Sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường;
c) Cung cấp miễn phí các dụng cụ cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải trong chất thải rắn sinh hoạt.
2. Chi phí thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
Chi phí thực hiện hoạt động quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường có được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp không? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường 2020; cụ thể như sau:
- Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng đối với các hoạt động đó;
- Trường hợp hoạt động bảo vệ môi trường cùng được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo văn bản có quy định mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn;
- Mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách về bảo vệ môi trường từng thời kỳ.
Trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ môi trường là gì?
Theo quy định tại Điều 161 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ môi trường như sau:
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều 158 Luật Bảo vệ môi trường 2020; cụ thể như sau:
Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có quyền sau đây:
+ Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
+ Tham vấn đối với dự án đầu tư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
+ Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án đầu tư, cơ sở có liên quan theo quy định của pháp luật;
+ Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
+ Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Ngoài quy định tại khoản 1 Điều 161 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp xem xét, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các quyền trong bảo vệ môi trường sau:
+ Tiếp cận nguồn lực về tài chính trong sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;
+ Bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức chính trị - xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.