Chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào Tài khoản 1562 là những chi phí nào? Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1562?
Chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào Tài khoản 1562 là những chi phí nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 200/2014/TT-BTC về Tài khoản 156 - Hàng hóa:
Tài khoản 156 - Hàng hóa
...
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 156 - Hàng hóa
...
Tài khoản 156 - Hàng hóa, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1561 - Giá mua hàng hóa: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của hàng hóa mua vào và đã nhập kho (tính theo trị giá mua vào);
- Tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa: Phản ánh chi phí thu mua hàng hóa phát sinh liên quan đến số hàng hóa đã nhập kho trong kỳ và tình hình phân bổ chi phí thu mua hàng hóa hiện có trong kỳ cho khối lượng hàng hóa đã bán trong kỳ và tồn kho thực tế cuối kỳ (kể cả tồn trong kho và hàng gửi đi bán, hàng gửi đại lý, ký gửi chưa bán được). Chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào tài khoản này chỉ bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình thu mua hàng hóa như: Chi phí bảo hiểm hàng hóa, tiền thuê kho, thuê bến bãi,... chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản đưa hàng hóa từ nơi mua về đến kho doanh nghiệp; các khoản hao hụt tự nhiên trong định mức phát sinh trong quá trình thu mua hàng hóa.
- Tài khoản 1567 - Hàng hóa bất động sản: Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của các loại hàng hoá bất động sản của doanh nghiệp. Hàng hoá bất động sản gồm: Quyền sử dụng đất; nhà; hoặc nhà và quyền sử dụng đất; cơ sở hạ tầng mua để bán trong kỳ hoạt động kinh doanh bình thường; Bất động sản đầu tư chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu bắt đầu triển khai cho mục đích bán.
...
Như vậy, tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa: Phản ánh chi phí thu mua hàng hóa phát sinh liên quan đến số hàng hóa đã nhập kho trong kỳ và tình hình phân bổ chi phí thu mua hàng hóa hiện có trong kỳ cho khối lượng hàng hóa đã bán trong kỳ và tồn kho thực tế cuối kỳ (kể cả tồn trong kho và hàng gửi đi bán, hàng gửi đại lý, ký gửi chưa bán được).
Trong đó, chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào tài khoản 1562 chỉ bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình thu mua hàng hóa như: Chi phí bảo hiểm hàng hóa, tiền thuê kho, thuê bến bãi,... chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản đưa hàng hóa từ nơi mua về đến kho doanh nghiệp; các khoản hao hụt tự nhiên trong định mức phát sinh trong quá trình thu mua hàng hóa.
Chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào Tài khoản 1562 là những chi phí nào? (Hình từ Internet)
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa ra sao?
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Thông tư 200/2014/TT-BTC cụ thể như sau:
Bên Nợ: Chi phí thu mua hàng hóa thực tế phát sinh liên quan tới khối lượng hàng hóa mua vào, đã nhập kho trong kỳ.
Bên Có: Chi phí thu mua hàng hóa tính cho khối lượng hàng hóa đã tiêu thụ trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Chi phí thu mua hàng hóa còn lại cuối kỳ.
Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thu mua hàng hóa phải thực hiện theo nguyên tắc nhất quán đúng không?
Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 29 Thông tư 200/2014/TT-BTC về Tài khoản 156 - Hàng hóa:
Tài khoản 156 - Hàng hóa
1. Nguyên tắc kế toán
...
c) Kế toán nhập, xuất, tồn kho hàng hóa trên tài khoản 156 được phản ánh theo nguyên tắc giá gốc quy định trong Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”. Giá gốc hàng hóa mua vào, bao gồm: Giá mua, chi phí thu mua (vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng từ nơi mua về kho doanh nghiệp, chi phí bảo hiểm,...), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu không được khấu trừ). Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa về để bán lại nhưng vì lý do nào đó cần phải gia công, sơ chế, tân trang, phân loại chọn lọc để làm tăng thêm giá trị hoặc khả năng bán của hàng hóa thì trị giá hàng mua gồm cả chi phí gia công, sơ chế.
- Giá gốc của hàng hóa mua vào được tính theo từng nguồn nhập và phải theo dõi, phản ánh riêng biệt trị giá mua và chi phí thu mua hàng hóa.
- Để tính giá trị hàng hóa tồn kho, kế toán có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:
+ Phương pháp nhập trước - xuất trước;
+ Phương pháp thực tế đích danh;
+ Phương pháp bình quân gia quyền;
- Một số đơn vị có đặc thù (ví dụ như các đơn vị kinh doanh siêu thị hoặc tương tự) có thể áp dụng kỹ thuật xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo phương pháp Giá bán lẻ. Phương pháp này thường được dùng trong ngành bán lẻ để tính giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận biên tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác. Giá gốc hàng tồn kho được xác định bằng cách lấy giá bán của hàng tồn kho trừ đi lợi nhuận biên theo tỷ lệ phần trăm hợp lý. Tỷ lệ được sử dụng có tính đến các mặt hàng đó bị hạ giá xuống thấp hơn giá bán ban đầu của nó. Thông thường mỗi bộ phận bán lẻ sẽ sử dụng một tỷ lệ phần trăm bình quân riêng.
- Chi phí thu mua hàng hóa trong kỳ được tính cho hàng hóa tiêu thụ trong kỳ và hàng hóa tồn kho cuối kỳ. Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thu mua hàng hóa tuỳ thuộc tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc nhất quán.
...
Như vậy, chi phí thu mua hàng hóa trong kỳ được tính cho hàng hóa tiêu thụ trong kỳ và hàng hóa tồn kho cuối kỳ.
Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thu mua hàng hóa tuỳ thuộc tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc nhất quán.
Trong đó, theo mục 07 Chuẩn mực số 01 ban hành và công bố theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC về các nguyên tắc kế toán cơ bản thì:
Nguyên tắc nhất quán được hiểu như sau:
Các chính sách và phương pháp kế toán doanh nghiệp đã chọn phải được áp dụng thống nhất ít nhất trong một kỳ kế toán năm.
Trường hợp có thay đổi chính sách và phương pháp kế toán đã chọn thì phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi đó trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.