Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản thì tối thiểu phải có những nội dung nào?
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản thì tối thiểu phải có những nội dung nào?
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong các trường hợp nào?
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là bao nhiêu phần trăm?
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản thì tối thiểu phải có những nội dung nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định như sau:
Quy định nội bộ
...
3. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản theo quy định tại Thông tư này và các văn bản có liên quan, trong đó tối thiểu phải có nội dung sau:
a) Quy định về việc phân cấp, ủy quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận liên quan trong việc quản lý tài sản Có, tài sản Nợ và việc bảo đảm duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, thanh khoản;
b) Quy trình, thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản, giới hạn kiểm soát chênh lệch kỳ hạn tài sản Có, tài sản Nợ trên cơ sở dòng tiền vào, dòng tiền ra quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;
c) Các nguyên tắc, chính sách, quy trình nhận dạng, đo lường, theo dõi, kiểm soát, báo cáo và trao đổi thông tin rủi ro về khả năng chi trả, thanh khoản; các tiêu chí cảnh báo sớm về rủi ro thiếu hụt khả năng chi trả, thanh khoản và các phương án xử lý;
d) Kế hoạch và biện pháp nắm giữ các loại giấy tờ có giá có khả năng thanh khoản cao;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với việc duy trì tỷ lệ khả năng chi trả, thanh khoản;
e) Mô hình đánh giá và thử nghiệm khả năng chi trả, thanh khoản, trong đó có các phân tích tình huống khả năng chi trả, tính thanh khoản có thể xảy ra. Phân tích tình huống phải đảm bảo:
(i) Phân tích tình huống tối thiểu gồm hai trường hợp:
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong điều kiện hoạt động bình thường;
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong điều kiện gặp khó khăn về khả năng chi trả, thanh khoản.
(ii) Phân tích tình huống phải đảm bảo thể hiện được các nội dung sau:
- Khả năng thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hàng ngày;
- Các biện pháp xử lý để có đủ khả năng đáp ứng quy định về khả năng chi trả.
...
Như vậy khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản thì tối thiểu phải có những nội dung như quy định trên.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Hình từ Internet)
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong các trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định như sau:
Điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 (một) năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật;
b) Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
c) Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng;
b) Tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó;
c) Để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng;
d) Khách hàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);
đ) Khách hàng là người có liên quan của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);
e) Khách hàng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), khách hàng là người có liên quan của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);
g) Khách hàng là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.
3. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong 07 trường hợp như quy định trên.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là bao nhiêu phần trăm?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 20 Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định như sau:
Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi
...
5. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%.
Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 (ba) năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
...
Như vậy chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 3 (ba) năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ cụ thể khác với các tỷ lệ nêu trên đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.