Chỉ dẫn 'Không được nạp lại' được ghi trên nhãn bình chữa cháy mini là thông tin chính hay thông tin phụ?
Thể tích và khối lượng chất chữa cháy của bình chữa cháy mini là bao nhiêu?
Căn cứ theo tiểu mục 3.2 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13260:2021 có quy định như sau:
Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
...
3.2
Bình chữa cháy mini (small fire extinguisher)
Bình chữa cháy có kích thước nhỏ chỉ sử dụng một lần có thể tích chất chữa cháy không quá 950 ml hoặc khối lượng chất chữa cháy không lớn hơn 950 g, có thể kích hoạt bằng một ngón tay. Các chất chứa trong bình được phun ra khi van điều khiển bình được mở.
CHÚ THÍCH: Bình chữa cháy mini là loại bình chữa cháy được thiết kế để loại bỏ sau khi sử dụng và không được nạp lại.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, bình chữa cháy mini có thể tích chất chữa cháy không quá 950 ml hoặc khối lượng chất chữa cháy không lớn hơn 950 g, có thể kích hoạt bằng một ngón tay.
Bình chữa cháy mini là loại bình chữa cháy được thiết kế để loại bỏ sau khi sử dụng và không được nạp lại.
Chỉ dẫn "Không được nạp lại" được ghi trên nhãn bình chữa cháy mini là thông tin chính hay thông tin phụ? (Hình từ Internet).
Chỉ dẫn "Không được nạp lại" được ghi trên nhãn bình chữa cháy mini là thông tin chính hay thông tin phụ?
Căn cứ tiểu mục 5.2 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13260:2021 quy định bình chữa cháy mini phải được ghi nhãn những thông tin phụ sau:
- Tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp;
- Hướng dẫn về kiểm tra áp suất, kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, hướng dẫn để xử lý các bình chữa cháy mini nếu áp suất của bình tại 20°C giảm xuống dưới áp suất ở khu vực màu xanh lá cây (áp suất làm việc danh định);
- Ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng (không được muộn hơn 05 năm sau khi sản xuất);
- Số và năm của tiêu chuẩn này, tức TCVN 13260:2020;
- Phân loại bình chữa cháy mini và công suất chữa cháy;
- Khối lượng danh định và loại chất chữa cháy (ví dụ: "0,8 kg bột chữa cháy"); khối lượng vỏ bình chữa cháy mini;
- Hướng dẫn về phương pháp loại bỏ đúng cách sau khi hết hạn sử dụng hoặc nếu bình chữa cháy mini đã được phun ra một phần; trong trường hợp bình chữa cháy mini sử dụng chất chữa cháy halon, hướng dẫn sẽ bao gồm các từ "Gửi trả lại nhà sản xuất để thu hồi halon";
- Chỉ dẫn "Không được nạp lại";
- Hướng dẫn "Bình có áp suất: bảo vệ khỏi ánh sáng mặt trời và các nguồn nhiệt khác và không để nhiệt độ trên 60°C. Không được khoan hay đốt, thậm chí sau khi sử dụng".
- Chiều cao chữ cái của nhãn trong hướng dẫn, chỉ dẫnkhông được nhỏ hơn 1,2 mm và lớn hơn chiều cao các chữ cái còn lại của nhãn
Lưu ý:
- Các thông tin chính phải được ghi trên một phần thân của bình chữa cháy mini tách biệt với các thông tin phụ.
- Các bình chữa cháy mini được khuyến cáo có màu chủ yếu là màu đỏ và một vùng màu có diện tích bề mặt lên đến 10% trên vỏ bình chữa cháy mini được sử dụng để nhận biết chất chữa cháy.
- Phương pháp ghi nhãn phải được thực hiện rõ ràng và dễ đọc trong suốt thời gian sử dụng/ hạn sử dụng dự kiến của bình chữa cháy mini.
- Trên vỏ bình chữa cháy mini hoặc trên một tờ rơi riêng kèm theo bình chữa cháy mini, nên có hướng dẫn lắp đặt và sử dụng bình chữa cháy mini.
Như vậy, theo quy định nêu trên, chỉ dẫn "Không được nạp lại" được ghi trên nhãn bình chữa cháy mini là thông tin phụ.
Người điều khiển xe ô tô không trang bị bình chữa cháy bị xử phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với ô tô không trang bị bình chữa cháy như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có kính chắn gió hoặc có nhưng vỡ hoặc có nhưng không có tác dụng (đối với xe có thiết kế lắp kính chắn gió).
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định này;
...
9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm b, điểm c khoản 3; điểm c, điểm d khoản 4; điểm b khoản 5; điểm d khoản 6 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm d khoản 3 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định, tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.
Như vậy, theo quy định, mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không trang bị bình chữa cháy là từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Ngoài ra, người đi xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.