Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện như thế nào?
Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện như thế nào?
Về vấn đề của chị thì trước đây tại Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP (Hết hiệu lực ngày 08/10/2021) về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành đề cập nội dung này:
Về tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS
5.1. Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
b. Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp".
5.2. Khi áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp", cần phân biệt:
a. Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b. Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS.
Tuy nhiên, văn bản này đã hết hiệu lực và không có văn bản thay thế hướng dẫn nội dung tương ứng thưa chị.
Bên cạnh đó, hiện nay không có quy định chung mà tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được hướng dẫn cho một số tội danh như tại Điều 2, 3 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền do Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành (còn hiệu lực) cũng có nêu:
Điều 2. Về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 Bộ luật hình sự)
3. Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự cần chú ý:
a) Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
- Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính.
b) Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
...
Điều 3. Về tội rửa tiền (Điều 251 Bộ luật hình sự)
...
4. Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự cần chú ý:
a) Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
- Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính.
b) Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Tương tự tại tiểu mục 2 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP có nội dung:
Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193)
...
2.2. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 là trường hợp người phạm tội có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ năm lần trở lên không phân biệt đã bị xét xử hay chưa bị xét xử, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
b) Người phạm tội lấy hành vi sản xuất trái phép chất ma túy làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy làm nguồn sống chính.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (Hình từ Internet)
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp có phải là tình tiết tăng nặng khi truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
...
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
...
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Theo đó, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp có thể được xem là tình tiết tăng nặng khi truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tình tiết này không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt của tội danh đó.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì được phân loại tội phạm nhóm gì?
Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
...
Việc phân loại tội phạm căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó.
Do đó chỉ có yếu tố "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" thì chưa thể phân loại tội phạm được.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.