Chế tài khi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh là gì?
- Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định dựa trên những yếu tố nào?
- Lợi thế về công nghệ có phải là một trong những yếu tố được dùng để căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể hay không?
- Khi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì sẽ bị phạt hành chính như thế nào?
Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định dựa trên những yếu tố nào?
Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định dựa trên những yếu tố nào? (Hình từ Internet)
Căn cứ tại khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường như sau:
Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Như vậy, Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu:
- Có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018; hoặc
- Có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Lợi thế về công nghệ có phải là một trong những yếu tố được dùng để căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể hay không?
Căn cứ tại điểm đ Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 về xác định sức mạnh thị trường đáng kể như sau:
Xác định sức mạnh thị trường đáng kể
1. Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Như vậy, lợi thế về công nghệ là một trong những yếu tố được dùng để căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì sẽ bị phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 75/2019/NĐ-CP về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như sau:
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
1. Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
b) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
c) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
d) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
…
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;
b) Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Như vậy, có thể thấy rằng, khi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì sẽ bị phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường;
Đồng thời, dựa vào quy định của pháp luật thì sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như sau:
- Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;
- Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Lưu ý: theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh thì:
+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.