Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
Chế độ cử tuyển là gì?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật và các văn bản có hướng dẫn khác không có quy định về chế độ cử tuyển là gì.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2020/NĐ-CP có định nghĩa về cử tuyển như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
2. Dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành.
...
Theo đó, cử tuyển được pháp luật quy định là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học là người dân tộc thiểu số, bao gồm:
- Người dân tộc thiểu số rất ít người.
- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Như vậy, dựa trên những căn cứ trên có thể hiểu chế độ cử tuyển là một chính sách của Nhà nước Việt Nam nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp.
Chế độ cử tuyển là gì? Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp? (Hình từ Internet)
Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm như thế nào khi tốt nghiệp?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 87 Luật Giáo dục 2019 có quy định như sau:
Chế độ cử tuyển
1. Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra.
3. Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm.
4. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển; việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 141/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển
1. Người học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:
a) Được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển;
b) Được cấp học bổng, miễn học phí và hường các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo;
c) Được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
2. Người học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây:
a) Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cứ đi học trở về làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp;
b) Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
c) Bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này.
Theo đó, người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cứ đi học trở về làm việc tại địa phương sau khi tốt nghiệp
Ngoài ra, người học theo chế độ cử tuyển sẽ được xét tuyển và bố trí việc làm theo quy định.
Tiêu chuẩn chung tuyển sinh theo chế độ cử tuyển được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 141/2020/NĐ-CP thì tiêu chuẩn chung khi tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm:
- Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này;
- Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;
- Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.