Chấp hành viên trung cấp có thể giải quyết việc thi hành án hành chính có yếu tố nước ngoài không?
- Để được bổ nhiệm chấp hành viên trung cấp thì công chức cần đáp ứng những điều kiện gì?
- Chấp hành viên trung cấp có thể giải quyết việc thi hành án hành chính có yếu tố nước ngoài không?
- Chấp hành viên trung cấp có quyền triệu tập đương sự và người có liên quan để giải quyết việc thi hành án hay không?
Để được bổ nhiệm chấp hành viên trung cấp thì công chức cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2018 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên
1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.
..
3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp:
a) Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;
b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.
...
Theo đó, người được bổ nhiệm chấp hành viên phải là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên.
Đối với Ngạch Chấp hành viên trung cấp thì công chức cần có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên và phải trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp thì mới được bổ nhiệm.
Ngoài ra, công chức cũng cần đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ đào tạo theo khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 03/2017/TT-BTP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-BTP và khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BTP) như sau:
- Nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Am hiểu sâu về nội dung pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; áp dụng thành thạo các nguyên tắc, chế độ, thủ tục về nghiệp vụ thi hành án dân sự;
- Nắm được tình hình và xu thế phát triển của công tác thi hành án dân sự trong nước và thế giới; tổ chức nghiên cứu phục vụ quản lý và xử lý thông tin quản lý;
- Có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án;
- Có khả năng giáo dục, thuyết phục đương sự thi hành bản án, quyết định của toà án; quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
- Có khả năng phân tích, tổng hợp, thành thạo kỹ năng xây dựng văn bản, tài liệu liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao và thuyết trình về các vấn đề được giao;
- Đối với công chức dự thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp phải là người đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu hoặc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả ít nhất 01 đề tài, đề án, sáng kiến trong phạm vi Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự;
- Có trình độ Cử nhân Luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp;
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản
Chấp hành viên trung cấp có thể giải quyết việc thi hành án hành chính có yếu tố nước ngoài không?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 03/2017/TT-BTP quy định về chức trách của Chấp hành viên trung cấp như sau:
Ngạch Chấp hành viên trung cấp
1. Chức trách
Chấp hành viên trung cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trực tiếp tổ chức thi hành, đôn đốc thi hành các vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự.
...
Theo đó, Chấp hành viên trung cấp chỉ có thể tổ chức thi hành hành chính phức tạp, số tiền, tài sản phải thi hành lớn; việc thi hành án liên quan đến nhiều địa phương, không có yếu tố nước ngoài.
Việc giải quyết thi hành án hành chính có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của chấp hành viên cao cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 03/2017/TT-BTP.
Tải về mẫu đơn đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển mới nhất 2023: Tại Đây
Chấp hành viên trung cấp có thể giải quyết việc thi hành án hành chính có yếu tố nước ngoài không? (Hình từ Internet)
Chấp hành viên trung cấp có quyền triệu tập đương sự và người có liên quan để giải quyết việc thi hành án hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2017/TT-BTP quy định về nhiệm vụ của Chấp hành viên trung cấp như sau:
Ngạch Chấp hành viên trung cấp
...
2. Nhiệm vụ
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
b) Triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quyết định thi hành án dân sự; đề xuất biện pháp, chỉ đạo việc thi hành các quyết định thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định;
d) Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, kiến nghị, đề xuất biện pháp tổ chức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
đ) Hướng dẫn nghiệp vụ đối với Chấp hành viên sơ cấp, Thư ký, Thư ký trung cấp thi hành án;
e) Xây dựng văn bản chỉ đạo công tác thi hành án, biên soạn tài liệu và hướng dẫn, phổ biến nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
g) Giúp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nắm tình hình công tác thi hành án và việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án thuộc thẩm quyền theo sự phân công;
h) Tham gia nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn thi hành án;
i) Nghiên cứu, kiến nghị, sửa đổi bổ sung các văn bản về thi hành án, đề xuất ý kiến đóng góp về hoàn thiện hệ thống pháp luật thi hành án;
k) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giao.
...
Dẫn chiếu Điều 20 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên
1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
...
Như vậy, dựa vào các căn cứ pháp luật vừa nêu trên thì Chấp hành viên trung cấp có quyền triệu tập đương sự và người có liên quan để giải quyết việc thi hành án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.