Cầu thủ bóng đá bị phát hiện sử dụng heroin có bị cấm thi đấu không? Sử dụng heroin có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Cầu thủ bóng đá bị phát hiện sử dụng heroin có bị cấm thi đấu không?
Heroin là một dạng tổng hợp của thuốc phiện và có tác dụng gây ảo giác mạnh và gây hứng phấn, đây là một loại chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021.
Việc sử dụng heroin - chất quy định tại danh mục chất kích thích bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thể dục, Thể thao 2006.
Danh mục chất kích thích bị cấm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ban hành phù hợp với quy định của Hiệp hội phòng, chống doping quốc tế.
Theo Danh sách chất cấm và phương pháp bị cấm của Tổ chức phòng chống doping thế giới phiên bản Tiếng Việt có hiệu lực từ 2021 của Cục Thể dục thể thao, heroin được xác định là chất chất hướng thần bị cấm trong thi đấu.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao quy định về vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể thao
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.
...
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, kết quả tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao, thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2019/NĐ-CP như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 11, các Điều 13,14,16, khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần đối với cá nhân.
...
Theo đó, trong tập luyện và thi đấu, cầu thủ bóng đá bị phát hiện sử dụng heroin có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và bị đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Cầu thủ bóng đá bị phát hiện sử dụng heroin có bị cấm thi đấu không? (Hình từ Internet)
Cầu thủ bóng đá sử dụng heroin có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 không quy định bất kỳ tội danh nào với hành vi sử dụng trái phép heroin hay chất ma túy nói chung.
Theo đó, nếu một người chỉ sử dụng trái phép chất ma túy mà không có các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép,…chất ma túy thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự xử lý hình sự;
Trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy mà có đồng thời thực hiện thêm một trong các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép,…chất ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với những hành vi đó.
Các cầu thủ bóng đá bị nghiêm cấm thực hiện những hành vi nào trong hoạt động thể thao?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2007/NĐ-CP, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể thao nói chung mà tất cả các cầu thủ bóng đá không được thực hiện bao gồm:
(1) Hành vi sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao:
- Sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao.
Danh mục chất kích thích bị cấm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao ban hành phù hợp với quy định của Hiệp hội phòng, chống doping quốc tế;
- Sử dụng những bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
(2) Hành vi gian lận trong hoạt động thể thao:
- Gian lận tên, tuổi, giới tính trong thi đấu thể thao;
- Trực tiếp làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao;
- Gian lận về thành tích và tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trường năng khiếu thể thao.
(3) Hành vi bạo lực trong hoạt động thể thao:
- Cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao;
- Đe dọa, xúc phạm các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thể thao.
(4) Hành vi cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân:
- Không tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình;
- Không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao trong phạm vi nhiệm vụ của mình;
- Lạm dụng quyền hoặc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.