Cầu đường sắt cần thực hiện kiểm định trong các trường hợp nào? Khi thực hiện kiểm định cầu đơn vị kiểm định có các công việc chính gì?
Cầu đường sắt cần thực hiện kiểm định trong các trường hợp nào?
Căn cứ quy định tại tiểu mục 4.3.1 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11297:2016 về Cầu đường sắt - Quy trình kiểm định có nêu các trường hợp cầu đường sắt cần thực hiện kiểm định gồm:
- Khi cần đánh giá tổng thể chung trạng thái của cầu trên một đoạn tuyến.
- Khi cần xét khả năng thông xe cá biệt qua cầu đối với một loại hoạt tải khác thường so với các hoạt tải khai thác thường xuyên (về tải trọng trục, cự ly trục, tốc độ.v.v...)
- Khi có nghi vấn về khả năng khai thác cầu sau thiên tai (lụt, bão, động đất.v.v...) hoặc tai nạn nào đó (cháy, nổ, va xô.v.v...) làm ảnh hưởng xấu đến cầu.
- Khi phát hiện cầu hoặc bộ phận cầu có những hư hỏng có thể ảnh hưởng đến khả năng khai thác của cầu (tuổi thọ, độ bền.v.v...).
- Khi định kỳ sau một số năm cần đánh giá lại cầu về mọi mặt.
- Khi sửa chữa tăng cường cầu.
- Sau khi kết thúc xây dựng cầu, để đánh giá tổng thể trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Cầu đường sắt cần thực hiện kiểm định trong các trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Đơn vị kiểm định sẽ có các nhiệm vụ chính gì trong khi kiểm định cầu đường sắt?
Tại tiểu mục 4.3.2 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11297:2016 có nêu đơn vị kiểm định có các nhiệm vụ chính như sau:
- Xây dựng và trình duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật kiểm định cầu.
- Thu thập và nghiên cứu hồ sơ cũ (của cầu cần kiểm định).
- Điều tra, đo đạc, khảo sát hiện trạng, thí nghiệm vật liệu cầu cũ.
- Tính toán kiểm định và tính toán phục vụ thử tải nếu cần thiết.
- Thử tải (nếu cần thiết)
- Thí nghiệm trong phòng.
- Tính toán đánh giá năng lực chịu tải của cầu.
- Lập hồ sơ và kết luận.
Tùy từng trường hợp cụ thể giản lược một số giai đoạn hoặc nội dung từng giai đoạn, ví dụ như có thể không thử mà chỉ kiểm toán kết cấu dựa trên các số liệu đo đạc cần thiết (tuân theo nhiệm vụ và phương án kỹ thuật kiểm định được cấp có thẩm quyền - chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt, đơn vị khai thác tuyến đường sắt - phê duyệt).
Yêu cầu về định mức thu thập các số liệu, tài liệu liên quan đến lịch sử xây dựng cầu như thế nào?
Theo nội dung được nêu tại tiểu mục 5.1.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11297:2016 thì có yêu cầu thu thập tối đa mọi hồ sơ lưu trữ có liên quan đến lịch sử xây dựng cầu như sau:
- Hồ sơ thiết kế:
+ Những thông tin về quy trình thiết kế và nội dung thiết kế (quy mô, mục tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế v.v...).
+ Hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất.
+ Những mô tả, đánh giá hiện trạng công trình trước khi thiết kế.
+ Các bản vẽ thiết kế.
+ Các bảng tính thủy văn, khẩu độ.
+ Các bảng tính kết cấu nhịp, mố trụ.
+ Các biên bản kiểm tra xử lý hiện trường, biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
- Hồ sơ hoàn công:
+ Các hồ sơ hoàn công của những lần xây dựng, gia cố sửa chữa đã có.
+ Sổ nhật ký thi công.
+ Bản vẽ hệ thống cọc mốc.
+ Các văn bản nghiệm thu chất lượng thi công, đặc biệt đối với các bộ phận công trình ẩn giấu trong đất, trong nước, trong bê tông, mác bê tông, mác thép.
- Thu thập các tài liệu về mố, trụ, cọc, dầm qua các thời kỳ gia cố sửa chữa (duy tu, bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn) và nâng cấp.
- Thu thập tài liệu, sổ sách theo dõi, quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Điều tra những hư hỏng về kết cấu do chiến tranh, lũ lụt, trong quá trình sử dụng, các sự cố công trình và giải pháp khắc phục.
- Hồ sơ thử tải cầu lúc mới xây dựng xong (nếu có) và các tài liệu kiểm định thử tải cầu kỳ trước, các kết luận. Đặc biệt chú ý đến các bộ phận công trình ẩn dấu trong đất, trong nước, trong lòng bê tông.
- Các loại đầu máy, toa xe và đoàn tàu đã được cho qua cầu trong những khoảng thời gian khác nhau. Vẽ lại sơ đồ đặt tải trọng đó.
- Tốc độ khai thác lớn nhất và bình quân của các loại hoạt tải nói trên.
Khi điều tra về lịch sử khai thác cầu, cần đặc biệt lưu ý điều tra về các tai nạn nói trên: thời gian xảy ra, nguyên nhân, diễn biến, hậu quả hư hỏng, các công tác khắc phục đã làm.
Trên cơ sở đó kết hợp phân tích các nguyên nhân hư hỏng của những phần quan sát được và ngoại suy về các hư hỏng có thể có của những phần ẩn dấu trong đất, trong nước do hậu quả của những tai nạn nói trên và định hướng đo đạc tiếp hoặc kiến nghị về điều kiện khai thác tiếp cầu. Đối với các cầu nằm ở trong khu vực đã từng xảy ra động đất cần điều tra về hậu quả của động đất đối với cầu và các công trình gần đó.
Khi điều tra thấy có nghi ngờ cần thu thập thêm các số liệu đặc biệt phục vụ việc kiểm toán cầu dưới tác dụng của động đất, sụt lở núi lớn.
Sau khi thu thập, phải tiến hành tổng hợp dữ liệu về cầu cần kiểm định, đưa ra những kiến nghị cho công tác kiểm định thử tải công trình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.