Cảng biển đặc biệt được phân loại dựa vào những tiêu chí nào? Cảng biển đặc biệt sẽ có những chức năng cơ bản nào?
Cảng biển đặc biệt được phân loại dựa vào những tiêu chí nào?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có quy định:
Phân loại cảng biển và công bố Danh mục cảng biển
1. Cảng biển được phân loại như sau:
a) Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;
b) Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng;
c) Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng;
d) Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại cảng biển và công bố Danh mục cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
Như vậy, cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế.
Về tiêu chí phân loại cảng biển sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 76/2021/NĐ-CP như sau:
Tiêu chí phân loại cảng biển
1. Tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam, gồm: tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.
2. Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển
Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau:
a) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;
b) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng;
c) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng;
d) Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Tiêu chí về quy mô của cảng biển
Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau:
a) Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển;
b) Cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.
Phương pháp đánh giá, phân loại cảng biển sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 76/2021/NĐ-CP, trong đó, khoản 2 Điều 4 này có ghi nhận:
Phương pháp đánh giá, phân loại cảng biển
1. Việc đánh giá, phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí và thể hiện chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cảng biển được đánh giá và phân thành 04 loại
a) Cảng biển đặc biệt: có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm;
b) Cảng biển loại I: có tổng số điểm chấm đạt trên 70 điểm đến 90 điểm;
c) Cảng biển loại II: có tổng số điểm chấm đạt từ 50 điểm đến 70 điểm;
d) Cảng biển loại III: có tổng số điểm chấm dưới 50 điểm.
...
Theo quy định trên, cảng biển đặc biệt phải có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm anh/chị nhé.
Về tiêu chí cụ thể sẽ dựa vào Phụ lục Bảng tiêu chí đánh giá phân loại cảng biển ban hành kèm theo Nghị định 76/2021/NĐ-CP để xác định.
Tải Bảng tiêu chí đánh giá phân loại cảng biển. Tại đây.
Cảng biển đặc biệt (Hình từ Internet)
Cảng biển đặc biệt sẽ có những chức năng cơ bản nào?
Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có quy định:
Chức năng cơ bản của cảng biển
1. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tàu thuyền đến, rời cảng.
2. Cung cấp phương tiện, thiết bị và nhân lực cần thiết cho tàu thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách.
3. Cung cấp dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa trong cảng.
4. Đầu mối kết nối hệ thống giao thông ngoài cảng biển.
5. Là nơi để tàu thuyền trú ẩn, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thực hiện những dịch vụ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.
6. Cung cấp các dịch vụ khác cho tàu thuyền, người và hàng hóa.
Theo đó, cảng biển đặc biệt sẽ có những chức năng cơ bản như trên.
Kết cấu hạ tầng cảng biển đặc biệt sẽ bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có quy định:
Cảng biển
1. Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.
Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lắp đặt tại khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện dịch vụ khác.
2. Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.
3. Khu nước, vùng nước bao gồm vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão trong vùng nước cảng biển.
4. Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển chịu sự quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, kết cấu hạ tầng cảng biển đặc biệt sẽ bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.