Cán bộ công chức lãnh đạo được cử đi học tập trung thời gian dài có bị thôi hưởng phụ cấp chức vụ hay không?
Kinh phí dùng cho việc đưa cán bộ công chức đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được lấy từ đâu?
Phụ cấp chức vụ với cán bộ công chức (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 36 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP) quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng như sau:
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước cấp, kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, của cán bộ, công chức, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
4. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Nghị định này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
Theo đó, nguồn kinh phí dùng cho việc cử công chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ là từ:
- Ngân sách nhà nước
- Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số
- Nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị
- Các nguồn khác.
Cán bộ công chức lãnh đạo được cử đi học tập trung thời gian dài có bị thôi hưởng phụ cấp chức vụ hay không?
Căn cứ Điều 37 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng như sau:
Quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
a) Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;
b) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;
c) Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;
d) Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.
...
Theo đó trường hợp cán bộ công chức có quyết định được cử đi học chuyên khoa tập trung 2 năm thì trong thời gian được cử đi học cán bộ công chức vẫn được hưởng các chế độ, phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nào cán bộ công chức thôi hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật
Căn cứ tại điểm c khoản 2, Mục II Thông tư 02/2005/TT-BNV (sửa đổi bởi khoản 1 mục II Thông tư 83/2005/TT-BNV) quy định các trường hợp được hưởng và thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như sau:
NGUYÊN TẮC VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC HƯỞNG, THÔI HƯỞNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO
...
2. Các trường hợp được hưởng và thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:
...
c) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm):
c1) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành,
c2)Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thêm thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để làm thủ tục nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà vẫn thuộc biên chế trả lương có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là thôi giữ chức danh lãnh đạo), thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ sang hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới của chức danh lãnh đạo đã đảm nhiệm tại thời điểm thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu (trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi thì hưởng bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới kể từ ngày thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu).
c3) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, thì thực hiện theo hướng dẫn riêng trong lần sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đó.
c4) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) còn lại ngoài các trường hợp tại các tiết c1, c2 và c3 nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
...
Nếu trong thời gian đi học mà cán bộ công chức hết nhiệm kỳ giữ chức danh lãnh đạo nhưng không được, hay chưa được bổ nhiệm lại thì theo quy định trên kể từ ngày hết nhiệm kỳ, cán bộ công chức được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.