Cafe đèn mờ là gì? Sử dụng việc mua bán dâm làm phương thức kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền? Cafe đèn mờ có phải là hoạt động mại dâm không?
Cafe đèn mờ là gì? Cafe đèn mờ có phải là hoạt động mại dâm không?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào định nghĩa hoặc đưa ra khái niệm về cafe đèn mờ.
Tuy nhiên, trên thực tế thì mọi người vẫn thường dùng từ cafe đèn mờ để chỉ một loại hình quán cà phê độc đáo ở Việt Nam, thường được biết đến với không gian ấm cúng, ánh sáng dịu nhẹ và bầu không khí riêng tư.
Hoạt động mại dâm trong quán cafe đèn mờ là hình thức kinh doanh trá hình, trong đó các cơ sở này sử dụng vỏ bọc là quán cà phê nhưng thực chất cung cấp các dịch vụ mua bán dâm trái phép. Đây là hoạt động bất hợp pháp và có thể gây ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội, sức khỏe và pháp luật.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Cafe đèn mờ có phải là hoạt động mại dâm không thì theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định về cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như sau:
Nội dung chi tiết một số từ ngữ
...
3. "Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm" quy định tại khoản 1, 2 Điều 15 của Pháp lệnh là những cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ văn hoá hoặc các dịch vụ khác có sử dụng lao động là vũ nữ, tiếp viên, nhân viên phục vụ (sau đây gọi chung là người lao động) nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe, như: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi, tắm nóng lạnh, cắt tóc - gội đầu máy lạnh, cà phê đèn mờ...
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì quán cafe đèn mờ là một trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm hay còn gọi là hoạt động mua bán dâm.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 đã có định nghĩa về bán dâm như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
...
Theo đó, một người nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu với người khác thì được xem là hành vi bán dâm.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 có định nghĩa về mua dâm như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Như vậy, hành vi một người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để đưa cho người khác để được giao cấu với người đó thì được xem là hành vi mua dâm.
Theo như khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì mại dâm chính là hành vi mua dâm và bán dâm.
Theo đó, nếu nhân viên tại quán cafe đèn mờ có hành vi giao cấu để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác từ khách hàng thì mới là mua dâm, bán dâm và được xem là mại dâm.
Do đó, nếu như không có hành vi giao cấu để nhận tiền, lợi ích vật chất khác từ khách hàng thì cafe đèn mờ sẽ không được xem là hoạt động mại dâm.
Cafe đèn mờ là gì? Sử dụng việc mua bán dâm làm phương thức kinh doanh bị phạt bao nhiêu tiền? Cafe đèn mờ có phải là hoạt động mại dâm không? (Hình từ Internet)
Hành vi mua bán dâm tại quán cafe đèn mờ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi mua dâm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, người nào có hành vi mua dâm thì bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu như mua dâm cùng lúc 2 người trở lên thì bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi bán dâm
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho 02 người trở lên cùng một lúc.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Theo đó thì người nào có hành vi bán dâm thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Nếu như bán cho 02 người cùng lúc trở lên thì bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Hành vi sử dụng việc mua bán dâm làm phương thức kinh doanh tại quán cafe đèn mờ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 27 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, nếu quán cafe đèn mờ sử dụng việc mua bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh thì có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý của quán cafe đèn mờ cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Lưu ý: Các mức phạt tiền nói trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.