Các thủ tục pháp lý được hỗ trợ cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù là gì? Việc hỗ trợ này thực hiện vào khoảng thời gian nào?
- Các thủ tục pháp lý được hỗ trợ cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù thực hiện vào khoảng thời gian nào?
- Việc hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm của cơ quan nào?
- Việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù thực hiện theo nguyên tắc gì?
Các thủ tục pháp lý được hỗ trợ cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù thực hiện vào khoảng thời gian nào?
Tại Điều 5 Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định về các biện pháp tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng như sau:
Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân
1. Trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.
2. Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:
a) Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội;
b) Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng;
c) Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.
3. Phương pháp tư vấn tâm lý cho phạm nhân:
a) Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức cho phạm nhân đăng ký nhu cầu tư vấn bằng phiếu nêu các nội dung cần được tư vấn hoặc chủ động phát hiện các vướng mắc cần được tư vấn của phạm nhân, từ đó phân công cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực để tư vấn trực tiếp cho phạm nhân. Có thể tư vấn riêng cho từng phạm nhân hoặc tư vấn nhóm cho số phạm nhân có cùng nội dung tư vấn;
b) Việc tổ chức tư vấn riêng phải được thực hiện trong các phòng tư vấn, có trang bị bàn ghế làm việc và các phương tiện cần thiết phục vụ cho việc tư vấn.
4. Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
5. Các cơ sở giam giữ phạm nhân có thể mời cán bộ của ngành Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Thanh niên, trường đại học, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp hoặc các cơ quan chức năng khác đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Những người thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân phải được lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó giới thiệu đến làm việc bằng văn bản và được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đồng ý bố trí làm việc.
Theo đó đối với phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
Về thời hạn thực hiện các biện pháp này là vào thời điểm trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền.
Các thủ tục pháp lý được hỗ trợ cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù là gì? Việc hỗ trợ này thực hiện vào khoảng thời gian nào? (Hình từ Internet)
Việc hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm của cơ quan nào?
Tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 49/2020/NĐ-CP có nêu như sau:
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
...
4. Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt và đã lập công theo quy định của pháp luật; báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thử thách; miễn chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt bổ sung; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho người chấp hành xong hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn người chấp hành xong hình phạt tù tham gia chính sách việc làm công; áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với người chấp hành xong hình phạt tù là trẻ em khi trở về tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện chính sách đối với người chấp hành xong hình phạt tù thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ là cơ quan có trách nhiệm thực hiện biện pháp hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.
Việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù thực hiện theo nguyên tắc gì?
Tại Điều 3 Nghị định 49/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng như sau:
Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng
1. Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.