Các nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước gồm nội dung nào và ai có trách nhiệm triển khai?
- Việc bảo vệ an ninh mạng cần đảm bảo theo những nguyên tắc gì?
- Các nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước gồm nội dung nào và ai có trách nhiệm triển khai?
- Về việc phòng ngừa và xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng cần đảm bảo thực hiện theo quy trình như thế nào?
Việc bảo vệ an ninh mạng cần đảm bảo theo những nguyên tắc gì?
Hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước (Hình từ Internet)
Căn cứ theo Điều 4 Luật An ninh mạng 2018 quy định về nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng như sau:
"Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.
4. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.
5. Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
6. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện về an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát về an ninh mạng trong quá trình sử dụng và kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.
7. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh."
Các nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước gồm nội dung nào và ai có trách nhiệm triển khai?
Về việc triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng thì những nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật An ninh mạng 2018 cụ thể như sau:
"Điều 23. Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương
1. Nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm:
a) Xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet; phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
b) Ứng dụng, triển khai phương án, biện pháp, công nghệ bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin và thông tin, tài liệu được lưu trữ, soạn thảo, truyền đưa trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;
c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng;
d) Bảo vệ an ninh mạng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên không gian mạng, cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chia sẻ thông tin trong nội bộ và với cơ quan khác hoặc trong hoạt động khác theo quy định của Chính phủ;
đ) Đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin;
e) Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng."
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng thuộc quyền quản lý.
Về việc phòng ngừa và xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng cần đảm bảo thực hiện theo quy trình như thế nào?
Tại Điều 21 Luật An ninh mạng 2018 quy định về phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng như sau:
"Điều 21. Phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng
1. Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng bao gồm:
a) Xuất hiện thông tin kích động trên không gian mạng có nguy cơ xảy ra bạo loạn, phá rối an ninh, khủng bố;
b) Tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
c) Tấn công nhiều hệ thống thông tin trên quy mô lớn, cường độ cao;
d) Tấn công mạng nhằm phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia;
đ) Tấn công mạng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Trách nhiệm phòng ngừa tình huống nguy hiểm về an ninh mạng được quy định như sau:
a) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia triển khai các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
b) Doanh nghiệp viễn thông, Internet, công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
3. Biện pháp xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng bao gồm:
a) Triển khai ngay phương án phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng, ngăn chặn, loại trừ hoặc giảm nhẹ thiệt hại do tình huống nguy hiểm về an ninh mạng gây ra;
b) Thông báo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Thu thập thông tin liên quan; theo dõi, giám sát liên tục đối với tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
d) Phân tích, đánh giá thông tin, dự báo khả năng, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do tình huống nguy hiểm về an ninh mạng gây ra;
đ) Ngừng cung cấp thông tin mạng tại khu vực cụ thể hoặc ngắt cổng kết nối mạng quốc tế;
e) Bố trí lực lượng, phương tiện ngăn chặn, loại bỏ tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
g) Biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia.
4. Việc xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng được quy định như sau:
a) Khi phát hiện tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và áp dụng ngay các biện pháp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này;
b) Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng trong phạm vi cả nước hoặc từng địa phương hoặc đối với một mục tiêu cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự và hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
c) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều này để xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng."
Như vậy, từ quy định nêu trên thì quy trình các bước phòng ngừa xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng đó là:
(1) Tình huống nguy hiểm về an ninh mạng
(2) Trách nhiệm phòng ngừa tình huống nguy hiểm về an ninh mạng
(3) Biện pháp xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng
(4) Việc xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.