Các hàng quán gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc thì có bị xử phạt theo quy định pháp luật hay không?
Các hàng quán gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 như sau:
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
...
Theo đó, dịch vụ tổ chức cờ bạc dưới mọi hình thức là một trong hoạt động bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật. Và việc quảng cáo các trang web cờ bạc là hành vi quảng cáo dịch vụ cấm kinh doanh, do đó hành vi gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc của các hành quán là hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Và theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
...
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;
b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;
c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Như vậy, đối với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh bằng hình thức gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc theo quy định bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm, đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt áp dụng đối với cá nhân. (khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ)
Các hàng quán gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc thì có bị xử phạt theo quy định pháp luật hay không? (Hình từ Internet)
Người quảng cáo có phải chịu trách nhiệm về sản phẩm biển hiệu quảng cáo của mình không?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo
...
2. Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau:
a) Cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin đó;
b) Bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nội dung quảng cáo;
c) Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện;
d) Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
...
Như vậy, người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm biển hiệu quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện. Liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
Gắn bảng hiệu quảng cáo có logo web cờ bạc đồng thời tổ chức đánh bạc thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Nếu trong quá trình điều tra xử lý vi phạm đối với hành vi quảng cáo dịch vụ cấm kính doanh mà đồng thời phát hiện có hành vi tổ chức đánh bạc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
Căn cứ theo Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:
- Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
+ Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trên hoặc hành vi quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.